Breaking News
Loading...

Công Phượng trong nỗi ám ảnh mang tên ‘Messi Việt Nam’

Share on Google Plus

Ở tuổi đôi mươi, Phượng mang trên vai nỗi ám ảnh quá lớn. Với anh, không có khái niệm chơi tròn vai. Anh phải luôn luôn chơi tốt và liên tục tỏa sáng.

Sân Mỹ Đình vào đêm 5/9/2014, Công Phượng đi bóng giữa 5 cầu thủ đối phương trước khi sút xa tung lưới U19 Australia. Bàn thắng ấy là một khoảnh khắc đã định nghĩa đầy đủ toàn bộ sự nghiệp của cầu thủ xứ Nghệ sau này.

Đó là sự nghiệp của một tiền đạo lừa bóng, một số 10 cổ điển, một cầu thủ luôn được kỳ vọng sẽ hoàn thành sứ mệnh gánh vác cả tập thể. Bàn thắng ấy và hàng loạt những siêu phẩm khác đã khắc sâu trong tâm trí người hâm mộ hình ảnh về một biểu tượng mới mang tên Công Phượng.

Với người hâm mộ, Công Phượng còn hơn cả một danh từ. Công Phượng nghĩa là cầm bóng đột phá qua nhiều cầu thủ đối phương, Công Phượng nghĩa là những bàn thắng siêu phẩm, Công Phượng nghĩa là người anh hùng có thể làm được tất.

Xuất hiện khi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang chạm đáy khủng hoảng (giữa năm 2013), Công Phượng nhanh chóng được khoác lên mình tấm áo biểu tượng. Truyền thông gọi anh là “Messi Việt Nam”.

Tấm bi kịch hôm nay của Công Phượng đã bắt đầu từ ngày ấy.

Cong Phuong trong noi am anh mang ten 'Messi Viet Nam' - Anh 1

Cầu thủ mang áo số 16 hứng chịu nhiều chỉ trích sau màn trình diễn nhợt nhạt ở trận gặp Malaysia. Ảnh: Tùng Lê.

Vì là người hùng nên người ta luôn kỳ vọng anh lập chiến công. Vì là siêu nhân nên anh luôn phải tạo những điều phi thường. Mỗi khi Phượng vào sân, người hâm mộ luôn muốn thấy anh cầm bóng, đột phá, đi qua vài người là đương nhiên, còn lập siêu phẩm là chuyện bình thường.

Với Công Phượng, không được điểm 10 nghĩa là thất bại. Người hâm mộ kỳ vọng những điều kỳ diệu từ đôi chân Công Phượng mỗi khi anh có bóng. Bản thân anh, dù luôn nói rằng mình chỉ muốn là Công Phượng, cũng vô thức chịu nỗi “ám ảnh Messi”.

Trước mọi đối thủ, ở mọi cấp độ, từ U19 đến U23 hay tuyển quốc gia, Phượng đều cầm bóng, di chuyển, đột phá theo cùng một kiểu. Nhưng không phải đối thủ nào cũng là U19 Australia.

Khi Phượng lên tuyển, đối thủ của anh là những cường quốc đến từ khu vực và châu lục. Sân chơi của anh là vòng loại World Cup, là AFF Cup. Dưới thời HLV Toshiya Miura, Phượng bế tắc trước Iraq, bất lực trước Thái Lan. Sang thời Hữu Thắng, anh tàng hình trong trận Triều Tiên, bỏ lỡ hàng loạt cơ hội trước Malaysia. Bàn thắng duy nhất của Phượng ở tuyển Việt Nam trong hai năm qua là pha lập công vào lưới Indonesia trong trận giao hữu hôm 8/11.

Bi kịch của anh là bi kịch của một thần đồng phải gánh trên vai những kỳ vọng quá lớn vốn chỉ dành cho một thiên tài, nghĩa là Messi.

Cong Phuong trong noi am anh mang ten 'Messi Viet Nam' - Anh 2

Ba năm qua, Công Phượng vẫn chơi bóng theo một cách, gần như không có cải thiện gì về mặt chiến thuật. Ảnh: Thanh Hà.

Bản thân Phượng cũng thiếu quá nhiều thứ trong cuộc cạnh tranh ở tuyển Việt Nam.

Đối thủ của Phượng trong cuộc chiến tranh suất đá chính ở hàng công là Công Vinh, Văn Quyết. Người đầu tiên là đội trưởng, huyền thoại sống, chủ nhân 3 Quả bóng Vàng. Người thứ hai đã 2 lần giành Quả bóng Bạc, số 10 đích thực của tuyển Việt Nam. Họ từng đá cặp với nhau ở Hà Nội T&T, đã có 3 năm chơi cạnh nhau ở tuyển Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh vị trí với họ, anh không có cơ hội.

Để tiện so sánh, hãy nhìn sang Tuấn Anh, Xuân Trường. Đối thủ của họ chỉ là những cầu thủ trẻ như Duy Mạnh, Hoàng Thịnh, Huy Hùng… Với tất cả sự tôn trọng dành cho ba cầu thủ nói trên, phải khẳng định rằng họ không ở cùng đẳng cấp với Minh Phương, Tài Em. Nghĩa là cuộc chiến cá nhân của Công Phượng khó khăn hơn các đồng đội rất nhiều.

Cong Phuong trong noi am anh mang ten 'Messi Viet Nam' - Anh 3

Đối thủ của Phượng là hai tiền đạo xuất sắc bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà.

Ở tuổi 21, Phượng quá trẻ để đương đầu với quá nhiều sức ép. Anh cũng thiếu nhiều kỹ năng cần thiết của một tiền đạo. Phượng thể lực yếu, tranh chấp kém, đánh đầu không giỏi. Anh không biết tỳ đè và càng không có khả năng làm tường cho đồng đội.

Với từng ấy hạn chế, Công Phượng dự bị là quyết định hợp lý của HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Hãy hiểu cho tình cảnh của Công Phượng. Đã mang thân phận của kẻ ngồi ngoài thì cơ hội ra sân là rất ít. Cơ hội ít thì phải nỗ lực thể hiện. Muốn thể hiện thì phải tạo ấn tượng. Mà với một tiền đạo, còn cách tạo ấn tượng nào tuyệt vời hơn là đi bóng, là qua người, là đột phá. Đó là điều Phượng giỏi nhất, là điều anh đã làm trong suốt sự nghiệp và cũng là điều đang “giết chết” chính anh.

Bởi những đối thủ đẳng cấp cao sẽ không chấp nhận cho bạn cầm bóng qua người đến lần thứ hai. Hậu vệ đối phương sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn cản bạn, sẽ kèm chặt, sẽ quây rát, thậm chí phạm lỗi. Nhưng Phượng hình như không quan tâm tới điều đó. Như HLV Lê Thụy Hải từng nói: “Người ta có ba người mà Công Phượng vẫn cắm đầu đâm vào.”

Nhưng nếu không đi bóng đột phá, nếu không cầm bóng sáng tạo, Công Phượng hình như sẽ không còn là Công Phượng. Bạn có tưởng tượng được Messi hay Văn Quyến vào sân 90 phút mà không đi bóng, không qua người? Điểm khác biệt: Công Phượng chưa phải Văn Quyến và chẳng bao giờ là Messi.

Càng cố thể hiện thì càng thất bại, càng muốn tạo ấn tượng tốt thì càng gây định kiến xấu. Đó là bi kịch của Công Phượng lúc này.

 

The post Công Phượng trong nỗi ám ảnh mang tên ‘Messi Việt Nam’ appeared first on Kênh tin tức tổng hợp cập nhật 24h/7 từ dantri, vietnamnet, vnexpress.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc