Văn học Việt Nam qua góc nhìn của dịch giả Đức
Văn học Việt đã được dịch, tuy chưa nhiều, ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Đối với độc giả Đức, cũng có một số tác phẩm của các nhà văn tiêu biểu của Việt Nam được các dịch giả Đức chuyển ngữ trong những năm qua, mà chúng tôi đã từng đưa tin. Vậy, ấn tượng về văn học Việt Nam qua góc nhìn của các dịch giả Đức như thế nào?
Buổi giao lưu về cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư tại Đức được giới thiệu trên báo chí Đức (từ trái qua: dịch giả Günter Giesenfeld, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, dịch giả Marianne Ngo) - Ảnh:buchmarkt.de |
Ngoài kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, từng được vợ chồng nhà báo Franz Faber và nhà ngôn ngữ học Irene Faber dịch sang tiếng Đức vào năm 1964, thì đến nay, một loạt các gương mặt văn học hiện đại tiêu biểu của Việt Nam đã được lựa chọn để giới thiệu với độc giả Đức.
Những nỗ lực dịch thuật này, với với vai trò chính của GS TS, nhà quay phim Günter Giesenfeld, và nhà giáo Marianne Ngo đã có những kết quả đáng kinh ngạc. Ngoài việc dịch và xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử Việt Nam, sách giới thiệu về Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Hội hữu nghị Đức Việt, hơn chục đầu sách văn học đương đại Việt Nam được dịch và xuất bản ở Đức, từ Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Bảo Ninh, Dương Hướng vv..
Dịch giả Günter Giesenfeld cho biết: "Có tác phẩm được giới thiệu trên báo chí tại Đức và người đọc nhận thấy rằng văn học Việt Nam hoàn toàn không phải chỉ có những thứ lạ lẫm như cảnh đẹp, phụ nữ đẹp mà Việt Nam có nền văn học thực sự nghiêm túc đáng để đọc. Đây thực sự từ độc giả cảm nhận thấy điều này. Và chúng tôi cảm thấy rất vui khi đã dịch những tác phẩm đó."
Nếu GSTS Günter Giesenfeld là chủ tịch của Hội hữu nghị Đức Việt thì nhà giáo Marianne Ngo là thành viên của Hội này. Và hai dịch giả đã đưa việc dịch thuật văn học Việt Nam như là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội.
Bà Marianne Ngo thuật lại: “Chúng tôi làm việc tại Hội hữu nghị Đức Việt và cảm thấy cần thiết phải quảng bá thông tin về Việt nam tại Đức và đặc biệt là văn hoá. Cúng tôi cảm thấy văn học là cách dễ dàng nhất giúp ta hiểu được cuộc sống của người dân ở một đất nước khác thay vì đọc những bản tổng thống kê khô khan, tất nhiên là qua đó người ta cũng có thể nắm bắt được thông tin. Nhưng để người ta có thể cảm động hay cảm nhận được vấn đề tại một nơi hoàn toàn xa lạ, cách những người dân ở đây cư xử thì thông qua đọc một tác phẩm văn học hay là cách hữu hiệu nhất. Vì thế chúng tôi thấy việc cần phải dịch tác phẩm văn học là rất quan trọng”
Dịch giả Marianne Ngo cho biết bà thích thú khi dịch thuật cũng là khám phá một vùng văn học mới lạ, những cách tư duy mới, những góc nhìn khác về cuộc sống, khám phá một Việt Nam từ chiến tranh đến hòa bình, cũng như được chia sẻ những khám phá của mình với độc giả Đức: "Chúng tôi còn dịch cả tác phẩm của Lê Minh Khuê và chúng tôi thấy rất tuyệt khi cảm nhận được đất nước Việt Nam phát triển như thế nào. Câu chuyện “Những ngôi sao xa xôi” kể về những nữ chiến sĩ khai thông đường Hồ CHí Minh, gỡ bom mìn trên cung đường này, kể về giấc mơ về hoà bình của họ. Và chúng tôi biết được câu chuyện về đất nước sau khi hoà bình lập lại, những người phụ nữ đó sau này thế nào, liệu ước mơ của họ có thành hiện thực không. cuộc sống của họ ra sao có khoẻ không có gặp khó khăn gì. Chúng tôi được trải nhiệm câu truyện về một quãng thời gian khá dài. Và đối với độc giả người Đức sẽ rất thú vị khi biết được Việt Nam phát triển thế nào, và phụ nữ Việt Nam ra sao. Và mỗi một tác giả lại có một góc nhìn khác nhau do đó mà chúng tôi sẽ tiếp tục dịch."
Văn học Việt Nam hiện đại có rất nhiều giọng điệu khác nhau, đa thanh, đa tầng, là nhận xét của dịch giả Günter Giesenfeld. Là giáo sư ngành khoa học văn học tại trường ĐH Marburg, ông cũng rất chú ý đến việc tìm tòi tác phẩm của những tác giả nổi tiếng ở Việt Nam. Những tác phẩm văn học đương đại, cho độc giả Đức hình dung về một xã hội Việt Nam hiện đại, có những trăn trở của kiếp nhân sinh không xa lạ với con người, nhưng cũng có những đặc trưng khác biệt về văn hóa mà người Đức chưa hề biết đến.
"Nguyễn Huy Thiệp là một tác giả hiện đại, giọng văn không cổ điển như Bảo Ninh. Và cũng không phải tiểu thuyết gia! Ông viết những truyện ngắn văn phong rất hiện đại. Theo như cách nói của văn học châu Âu hay dùng, là chủ nghĩa hậu hiện đại.
Nhà văn không chỉ sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải câu chuyện hay nội dung mà còn chơi chữ và Thiệp là bậc thầy trong việc này. Tôi có thể kể thêm vài tác giả khác như Dương Hướng với Bến không chồng. Đây cũng là một tác phẩm đỉnh cao. Khác với Bảo Ninh ông miêu tả cuộc sống sau chiến tranh. Tôi có thể kể thêm vài tác giả nữa, dù tất nhiên Việt Nam không có nhiều tác giả viết tiểu thuyết như Đức nhưng nền văn học của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các quốc gia khác." - Dịch giả Günter Giesenfeld nói.
Văn học Việt Nam thật đáng để bạn đọc Đức biết đến. Nhưng dù sao đi nữa, để bạn đọc Đức có thể hiểu biết thêm về văn học Việt, vẫn cần chuyển ngữ nhiều hơn và cần có nhiều dịch giả tham gia vào công việc này hơn, là điều mà dịch giả Günter Giesenfeld thẳng thắn chia sẻ./.
0 nhận xét