Bảo hiểm Bảo Việt: Họa sĩ Vũ Thái Bình thổi hồn vào giấy dó
Breaking News
Loading...

Họa sĩ Vũ Thái Bình thổi hồn vào giấy dó

Share on Google Plus

Trong mỹ thuật, giấy dó là chất liệu tạo nên hai dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam là tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Vẽ trên giấy dó đòi hỏi kỹ thuật cao không phải họa sĩ nào cũng vẽ được. Họa sĩ Vũ Thái Bình đã dày công tìm tòi và thành công trên chất liệu truyền thống hòa nhập với mỹ thuật đương đại.

Họa sĩ Vũ Thái Bình thổi hồn vào giấy dó - ảnh 1Họa sĩ Vũ Thái Bình. - Ảnh: VOV

Họa sĩ Vũ Thái Bình, sinh năm 1976, tại tỉnh Hưng Yên. Giới mỹ thuật biết tới tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình bởi có lẽ anh là người “chung thủy” với giấy dó nhất.

Từng thử sức trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng năm 2013 khi đến với giấy dó Vũ Thái Bình mới thực sự tìm thấy chính mình. Anh đã có 2 triển lãm cá nhân “Sắc dó 1” năm 2016, “Sắc dó 2” năm 2018 tại Hà Nội khiến cho không ít người yêu mỹ thuật phải trầm trồ, thán phục. Dự định năm 2021, anh sẽ triển lãm “Sắc dó 3”. Đặc biệt, tranh của Vũ Thái Bình được sưu tập ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan, Nhật Bản…

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó, có đặc điểm dai và bền. Nghề làm giấy dó của ở Việt Nam ra đời cách hàng ngàn năm và loại giấy này được sử dụng in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, in tranh dân gian, dùng làm Sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Để có thể làm chủ kỹ thuật vẽ trên giấy dó họa sĩ Vũ Thái Bình phải đánh đổ mất bao công sức, không ít lần bị hỏng làm anh nản lòng. Càng vẽ anh càng thấy cái khó nhất khi thể hiện tác phẩm là khi vẽ chỉ được đặt 1 nét bút chính xác, đòi hỏi người họa sĩ tập trung cao độ, tỉ mẩn, kiên trì.

Họa sĩ Vũ Thái Bình thổi hồn vào giấy dó - ảnh 2

Một tác phẩm trong triển lãm “Sắc dó 2018” của họa sĩ Vũ Thái Bình. - Ảnh: dangcongsan.vn

Họa sĩ Vũ Thái Bình kể: “Chất liệu giấy dó vẽ rất khó. Trước kia giấy dó chỉ là tài liệu ghi chép thôi nhưng sau này người ta dùng in tranh ví dụ tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. Tôi muốn chất liệu giấy dó không chỉ gói gọn như trước mà phải có hơi thở mới, sáng tạo. Tôi muốn giấy dó phát triển và bảo tồn. Chất dó rất mộc mạc, đó là thứ mà tôi đang theo đuổi. Vẽ trên giấy dó, tôi thấy thỏa mãn, thả hết những điều mình muốn trên mặt giấy. Thứ nữa mà tôi đang làm là chất liệu truyền thống và tôi muốn giữ văn hóa truyền thống trên chất liệu truyền thống. Tôi rất lo một ngày nào đó mà không còn giấy dó thì thật đáng tiếc. Đấy là lý do mà tôi chọn chất liệu này để tôi theo đuổi.”

Họa sĩ Vũ Thái Bình đã tìm ra được kỹ thuật, ngôn ngữ riêng của giấy dó. Với anh vẽ trên giấy dó không cần mạnh mẽ, góc cạnh cần sự nhẹ nhàng, tinh tế. Các tác phẩm của anh thường có kích thước lớn, đề tài phong phú về: phong cảnh, tĩnh vật, nhân vật, động vật, làng quê... Tiêu biểu là các tác phẩm: “Trưa vắng”, “Quê tôi”, “Đợi”, “Thời gian”, “cụ Thận”, “cô gái Giao Đỏ”… Bút pháp của anh cũng đa dạng từ hiện thực, ấn tượng tới siêu thực.

Kiến trúc sư Đoàn Văn Tuấn cho rằng: “Xem tranh của Vũ Thái Bình thấy gần như anh ấy đưa ra một sắp xếp, hệ thống hóa khoa học. Tranh của Bình là kỹ thuật ở trong nghệ thuật và nghệ thuật ở trong kỹ thuật. Hai điều đó hòa quyện với nhau mà với nghề kiến trúc để làm hai yếu tố đó hòa quyện được với nhau là cực khó. Chất liệu của Bình đã có sẵn yếu tố mộc mạc, đơn sơ, con mắt quan sát của Bình tinh tường. Vẫn sự vật ấy, vẫn hiện tượng ấy nhưng hiện lên trong tranh của anh người xem cảm thấy uyển chuyển, nhẹ nhàng.”

Họa sĩ Vũ Thái Bình đã dày công nghiên cứu, thí nghiệm nhiều cách vẽ trên giấy dó. Anh nghiệm thấy giấy dó để lâu ngậm nước thì vẽ dễ hơn dó mới ra lò, độ mềm mại tăng lên. Khi xem tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình người ta hình dung anh như một nhà khoa học của nghệ thuật bởi cách làm chủ kỹ thuật vẽ giấy dó điêu luyện của anh, một chất giấy vốn mỏng manh như tơ mành vậy mà anh thực hiện chuẩn chỉ từng nét bút.

Họa sĩ Minh Phương cho biết: “Tờ giấy dó rất mỏng khi đặt bút vào nếu tay vẽ không vững vàng thì không vẽ lại được. Một nét vẽ mà vẽ lại sẽ hỏng, một là bị đậm quá hai là bị rách giấy. Nên phải vẽ rất thận trọng đặt nét nào là được nét đó. Khi chồng nét thứ hai phải cân nhắc. Vẽ trên giấy dó mềm mại, diễn tả rất linh hoạt, đẹp và để được lâu, 50 năm vẫn như mới.”

Xem tranh của Vũ Thái Bình mới thấy sức lao động nghệ thuật của anh là không giới hạn. Những tác phẩm của anh tựa như những bản nhạc êm ái trên nền giấy dó. Tranh của anh dẫn người xem đến những khoảng sống chân thực bình dị, mang lại cảm xúc mãnh liệt mà ít họa sĩ nào đạt được. Họa sĩ Vũ Thái Bình đã đưa tranh dó lên tầm cao mới. Đó là những tác phẩm không chỉ đẹp về màu sắc, bố cục, hình ảnh mà còn chứa đựng cả chiều sâu cuộc sống, tâm hồn con người./.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc