Áp dụng mô hình nhóm chất lượng: Thuận lợi và trở ngại với doanh nghiệp
Nhóm chất lượng (QCC) còn được gọi là mô hình QQC được khởi xướng tại Nhật Bản từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Từ lợi ích mà QCC mang lại, hiện mô hình này đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong những mục tiêu là khuyến khích tinh thần tập thể của các thành viên. Những thành viên làm cùng bộ phận có thể có cùng ý tưởng bởi vì họ cùng đương đầu với những vấn đề chung.
QCC không chỉ hướng tới kết quả cụ thể mà còn giúp thành viên nắm bắt các công cụ và phương pháp để giải quyết vấn đề chất lượng. Nó có thể áp dụng cho bộ phận sản xuất, dịch vụ, quản lý kinh doanh và nghiên cứu phát triển. QCC không chỉ tạo ra bầu không khí tích cực, môi trường làm việc thoải mái mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng.
Kinh nghiệm áp dụng công cụ này cho thấy, việc áp dụng QCC giúp việc trao đổi thông tin trong tổ chức cải thiện tốt hơn. Chẳng hạn, người lao động hiểu biết hơn về chất lượng và thành thạo hơn trong cách giải quyết vấn đề mà còn giúp giảm bớt lãng phí, cải thiện ý thức về chất lượng trong tổ chức, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của người lao động, do vậy, nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Theo chuyên gia thuộc Viện Năng suất Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, lợi ích từ việc triển khai, vận hành QCC với doanh nghiệp và cả các thành viên trong QCC là rất lớn như: Tạo sự đồng thuận, nhất quán trong việc giải quyết vấn đề hoặc cải tiến; tạo ra môi trường làm việc có sự tôn trọng con người và ý nghĩa công việc.
Cạnh đó, khai tác tối đa tiềm năng về con người của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp; nâng cao năng lực và khả năng giải quyết vấn đề của nhân viên.
Cải thiện khả năng trao đổi thông tin trong doanh nghiệp (giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên với quản lý/ quản đốc); giảm lãng phí, nâng cao năng xuất lao động và thu nhập của người lao động.
Nâng cao nhận thức của nhân viên về chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm được phiền hà và than phiền của khách hàng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới việc cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ (văn hóa chất lượng).
Thông thường, việc thực hiện dự án của QCC sẽ được áp dụng theo phương pháp 8D, do đó quy trình các bước thực hiện có phần tương tự như sau: Chọn đề tài và nhận diện vấn đề; tìm hiểu và nắm bắt hiện trạng; phân tích hiện trạng; thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch hoạt động (sử dụng SMART); phân tích nguyên nhân gốc rễ; lựa chọn đối sách cho vấn đề và hành động; xác nhận kết quả, tiêu chuẩn hóa và làm báo cáo.
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp thuộc 60 quốc gia đã triển khai mô hình QCC. Tại Việt Nam, QCC thường được doanh nghiệp từ Nhật Bản triển khai, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Tại một số doanh nghiệp, QCC được tổ chức có tuổi thọ ngắn để có thể giải quyết một số vấn đề phát sinh nhất định, hay vấn đề cụ thể như cải tiến một quy trình phòng ban, thiết kế một sản phẩm mới, khắc phục lỗi của một sản phẩm...
Để có thể vận hành QCC hiệu quả, doanh nghiệp cần xem trọng công tác QCC, các thành viên trong nhóm QCC phải nhận thức được tầm quan trọng, biết cách sử dụng các công cụ cần thiết và có kỹ năng phù hợp để đảm bảo trọng tâm của QCC đó là con người.
Cũng theo chuyên gia năng suất, bên cạnh thuận lợi, trở ngại lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai mô hình QCC là: Những khác biệt về kinh tế, văn hóa và cách quản trị; doanh nghiệp chưa thực sự hiểu về QCC; doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xây dựng và vận hành QCC. Doanh nghiệp chỉ xây dựng QCC ở mức phong trào, không quá quan tâm tới việc vận hành; các thành viên chưa được đào tạo về kỹ năng và năng lực cần thiết; công tác QCC chưa được xem trong, khi rảnh mới làm.
0 nhận xét