Công trình trọng điểm quốc gia có thể đưa Đông Anh trở thành “Dubai Việt Nam”
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là điểm hẹn của các sự kiện, triển lãm tầm cỡ thế giới, giúp Đông Anh làm nên những kỳ tích như Dubai khi khai mở thành công "nền kinh tế EXPO".
Động lực thúc đẩy "nền kinh tế EXPO" Việt Nam tăng tốc
25 triệu du khách từ khắp thế giới đã tới Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) chỉ trong vòng 6 tháng (từ ngày 1/10/2021 - 31/3/2022) để tham dự tới 30.000 sự kiện lớn nhỏ khác nhau. Con số ấn tượng này đủ nói nên quy mô và sức ảnh hưởng của EXPO 2020 - triển lãm thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Á.
Để giành được quyền đăng cai triển lãm lớn nhất thế giới, Dubai đã mạnh tay chi gần 9 tỷ USD để kiến tạo Trung tâm triển lãm rộng tới 438 ha. Đổi lại, "đại gia Trung Đông" cũng thu về nhiều tỷ USD nhờ lưu lượng khách tăng đột biến của hàng không và ngành du lịch. Nền kinh tế nhận được "cú hích" phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá trị khó mà định lượng được bằng tiền là cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu đất nước.
Ngoài cơ hội từ các sự kiện có tần suất 5 năm 1 lần như Triển lãm thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng "nền kinh tế EXPO", không chỉ thu về lợi ích cho mình mà còn thúc đẩy giao thương toàn cầu.
Điển hình như Canton Fair được tổ chức thường niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ước tính, mỗi năm, có hơn 200.000 khách mời, đại diện cho các doanh nghiệp tới từ 210 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, mang theo 150.000 sản phẩm hàng hóa tới đây để quảng bá. Phía sau các đơn hàng được ký kết là hàng triệu việc làm mới được tạo ra và nhiều tỷ USD đóng góp cho GDP Trung Quốc.
Theo GS. Augustine Hà Tôn Vinh, người có hơn 30 năm làm việc tại Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu và Tây Phi, EXPO - tức trưng bày, triển lãm cần thiết cho mọi nền kinh tế vì đây là cầu nối giữa người bán và người mua. Tại Việt Nam, hoạt động này ngày càng được coi trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong cuộc chơi hội nhập, còn thiếu sức mạnh gắn kết để có thể cạnh tranh.
"Chúng ta chưa có những trung tâm triển lãm đủ lớn để trưng bày sản phẩm tại các gian hàng quy mô cũng như còn thiếu chỗ đậu xe, chưa có khả năng đón tiếp số lượng khách hàng lớn. Trên thế giới, không gian dành cho 1 sự kiện có khi rộng 1 - 2 km2. Ngoài phần cứng, để các trung tâm EXPO mang lại hiệu quả thì cần nhất là duy trì được hoạt động thường xuyên, với sự hiện diện của cả người bán và người mua", GS. Hà Tôn Vinh chia sẻ.
GS. Hà Tôn Vinh cũng tin tưởng, nền kinh tế EXPO của Việt Nam sẽ có những bước chuyển ngoạn mục, tiến kịp với tốc độ phát triển của thế giới trong thời gian tới. Điều này có được là nhờ mới đây, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh vừa chính thức được khởi công.
"Công trình do Vingroup thực hiện, đây là tập đoàn hàng đầu Việt Nam, tôi tin tưởng là họ đã có đầy đủ các nghiên cứu, cơ sở cần thiết. Công trình này có thể mang lại niềm tự hào là chúng ta đã đi vào sân chơi quốc tế", GS. Hà Tôn Vinh đánh giá.
Sức hấp dẫn của "kỳ quan mới" trong Top 10 thế giới
Mang trong mình khát vọng kiến tạo những công trình đẳng cấp toàn cầu của chủ đầu tư, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các công trình vang danh thế giới. Dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ này dự báo sẽ biến Đông Anh thành "Dubai Việt Nam".
Với tổng diện tích xây dựng lên tới 90 ha, công trình sẽ nằm trong Top 10 trung tâm triển lãm có quy mô đồ sộ nhất thế giới. Nằm ở cửa ngõ đi ra thế giới của cả miền Bắc, với một bên là Sân bay quốc tế Nội Bài (cách chỉ 15 phút lái xe), một bên là nội đô lịch sử (cách chỉ 5 phút di chuyển sau khi cầu Tứ Liên hoàn thành), Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mang tầm vóc của một tâm điểm giao thương toàn cầu khi sở hữu tọa độ cương cùng hạ tầng siêu kết nối.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Anh sẽ trở thành đô thị, trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Huyện Đông Anh, nơi tọa lạc của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, sẽ thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia khi hoàn thành sẽ là lực đẩy, đưa Đông Anh sớm hiện thực hóa tầm nhìn đã đặt ra. Công trình sẽ là điểm đến hàng đầu của các sự kiện quy mô lớn, tầm cỡ khu vực và thế giới, khởi phát nền kinh tế EXPO sôi động cho Hà Nội, tương tự mô hình Dubai EXPO (UAE), Frankfurt (Đức), Fiera Milano (Ý), Las Vegas (Mỹ)…
Tại Mỹ, năm 2019, trung tâm hội chợ triển lãm Las Vegas đã đóng góp gần 2 tỷ USD vào kinh tế địa phương và tạo ra khoảng 13.000 việc làm. Trên phạm vi toàn cầu, các trung tâm triển lãm tầm vóc quốc tế đóng góp khoảng 325 tỷ USD/năm vào nền kinh tế thế giới, theo Hiệp hội Triển lãm Quốc tế (UFI). Con số này bao gồm doanh thu trực tiếp từ các hoạt động triển lãm, hội nghị, và chi tiêu của du khách cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, và giao thông.
Tới đây, cầu Tứ Liên được khởi công, cùng với đường vành đai 4 hoàn thành và sân bay Nội Bài được nâng cấp công suất, việc di chuyển tới Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ càng thuận tiện hơn. Các điều kiện cần và đủ này sẽ giúp Đông Anh nói riêng và Hà Nội nói chung thu hút thêm hàng triệu du khách và doanh nghiệp, doanh nhân quốc tế mỗi năm. Đây sẽ là cú hích mạnh lẽ kích thích tăng trưởng kinh tế cho vùng Thủ đô, gián tiếp "ghim" Việt Nam lên bản đồ giao thương quốc tế.
0 nhận xét