PC Đắk Lắk: Đảm bảo an toàn lưới điện cao áp tại khu vực rừng trồng và rừng nguyên sinh
Điện lực Ea Kar có vị trí đặc thù, hoạt động trên địa bàn 2 huyện là Ea Kar, M'Đrắk và thôn Cư Zắc (thuộc xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông). Điện lực cũng là một trong các đơn vị có khối lượng quản lý vận hành lưới điện lớn trong PC Đắk Lắk với hơn 61 km đường dây 35 kV; gần 800 km đường dây 22kV; 1.100 km đường dây 0,4kV; hơn 920 trạm biến áp (TBA) phân phối.
Bán kính cấp điện rộng, khách hàng phân tán, lưới điện băng qua đồi núi, rừng nguyên sinh và rừng trồng, vì vậy công tác đảm bảo hành lang lưới điện gặp không ít những khó khăn. Đặc biệt, những năm trước đây, khi vào mùa mưa bão cây cối thường va quẹt, ngã đổ vào đường dây gây sự cố, làm gián đoạn quá trình cung cấp điện.
Hiện nay, tình trạng vi phạm HLLĐCA vẫn diễn ra khá phức tạp, nguyên nhân chính là do điều kiện địa lý, việc thi công đường dây phải băng qua nhiều diện tích rừng nguyên sinh. Sau thời gian công trình đưa vào vận hành, cây rừng lại phát triển trở lại. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế của địa phương dựa vào việc trồng rừng, cùng các cây công nghiệp dài ngày như cao su, cây tiêu, cây điều... dẫn tình trạng vi phạm an toàn trên địa bàn đơn vị quản lý ngày càng nhiều.
Ý thức bảo vệ an toàn HLLĐCA của người dân còn chưa cao, đặc biệt là tại các khu vực thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sự phát triển của địa phương.
PC Đắk Lắk đảm bảo an toàn lưới điện cao áp tại khu vực rừng trồng và rừng nguyên sinh.
Theo Nghị định 14/2024/NĐ-CP quy định về khoảng cách an toàn HLLĐCA đối với đường dây 22 kV là 2 mét, đường dây 35kV là 3 mét. Quy định trên chỉ phù hợp với các vật thể cố định, không có biến động khi có mưa gió. Còn thực tế hiện nay, cây cối và rừng trồng có khoảng cách khá xa so với đường dây. Tuy nhiên, do cây quá cao nên khi có gió lớn hoặc mưa bão cây va quẹt, đổ ngã vào đường dây. Với các sự cố này, nhẹ thì chỉ thoáng qua làm gián đoạn quá trình cấp điện, nặng thì đứt dây, gãy trụ gây ra sự cố kéo dài, gây thiệt hại về tài sản cho ngành điện, ảnh hưởng đến công tác sản xuất, sinh hoạt của khách hàng.
Trước thực tế này, bám sát chỉ đạo của PC Đắk Lắk, từ đầu năm 2024, Điện lực Ea Kar đã chủ động tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về nội bộ, ngoài việc phân công nhiệm vụ quản lý vận hành cho từng CBCNV theo khu vực cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân, đơn vị cũng tập trung kiểm tra, phát quang hành lang tuyến, xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện.
Điện lực Ea Kar đã thống kê tất cả các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố lưới điện do vướng mắc hành lang để có phương án xóa bỏ dần các "điểm đen" gây sự cố lưới điện. Điện lực bố trí cán bộ chủ chốt thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và hỗ trợ CBCNV hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vận hành đường dây.
Đối với bên ngoài, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức về công tác đảm bảo an toàn HLLĐCA cho nhân dân thông qua việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh huyện, xã; qua các nhóm zalo của các xã/thị trấn; phát tờ rơi cho hơn 2.000 hộ dân sống gần hành lang lưới điện.
Điện lực trực tiếp làm việc với 3 hộ dân tại xã Ea Lai, Ea M'đoan, Ea Trang của huyện M'Đrắk để phát quang hơn 500 cây keo, xóa bỏ 03 điểm đen hành lang tuyến. Đơn vị cũng làm việc các Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp M'Đrắk và Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp EaKar, các tổ chức trồng rừng cùng các hộ dân có diện tích cây keo gần hành lang, để phối hợp khi đến thời điểm khai thác nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản.
Bên cạnh đó, Điện lực thường xuyên báo cáo với chính quyền địa phương các vấn đề vướng mắc, phối hợp với các cấp cơ sở để tuyên truyền sâu rộng công tác đảm bảo an toàn HLLĐCA để người dân hiểu và cùng với ngành điện thực hiện tốt.
Qua gần một năm tập trung công tác này, bước đầu công tác an toàn hành lang HLLĐCA đã có nhiều điểm sáng. Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Điện lực Ea Kar cũng như PC Đắk Lắk nói chung rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ hành lang pháp lý cùng sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân quản lý và trồng rừng trong việc tuân thủ HLLĐCA.
Điều cốt lõi và bền vững mà đơn vị xác định cần tập trung thực hiện vẫn tiếp tục là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của HLLĐCA đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, từ đó quyết định hành động của mình.
0 nhận xét