Huỳnh Lập: 'Vài năm nữa, tôi có thể như anh Trường Giang, Trấn Thành'
Huỳnh Lập tin rằng đến một thời điểm nào đó thế hệ diễn viên hài trẻ của anh có thể làm host các game show như Trường Giang, Trấn Thành hiện tại.
Trước khi thể loại parody trở nên phổ biến, Huỳnh Lập đóng vai trò là người tiên phong với Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể. Ở mặt trận web drama, anh cũng được coi là người sung sức bậc nhất. Những sản phẩm mạng này đã giúp Huỳnh Lập trở thành một trong những nghệ sĩ Việt đầu tiên nhận được nút vàng YouTube.
Nhưng, trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, nam diễn viên khẳng định YouTube "chỉ có thời". Mặt khác, nếu gắn bó mãi anh sẽ bị định danh là "diễn viên YouTube".
Huỳnh Lập đang muốn tạm dừng cuộc rong chơi trên YouTube để dành thời gian và tâm sức cho những sản phẩm nghệ thuật mà anh gọi là chính thống. Bên cạnh đó, cũng là cho cả những kỳ vọng về một thế hệ diễn viên hài 9X có thể kế cận thị trường.
"Nói thật, thế hệ hài trẻ chưa có vai nào đàng hoàng"
- Nhiều ý kiến cho rằng sự lớn mạnh của những gương mặt hài mạng như anh, Duy Khánh, BB Trần, Hải Triều, Quang Trung... khiến lớp nghệ sĩ vốn nổi tiếng ở sân khấu, điện ảnh và truyền hình như Trấn Thành - Trường Giang không còn ở vị trí độc tôn. Anh nghĩ sao?
- Cái gì cũng có sự phát triển và đào thải, đó là sự thay thế để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Hiện nay, công nghệ và cách mạng 4.0 là độc tôn, nó là một thực trạng, nó đáng mừng và cũng đáng buồn.
Nghệ thuật cũng không ngoại lệ cuộc cách mạng ấy. Hiện tại, lứa hài trẻ cũng đang lên, nôm na là tre già măng mọc. Nhưng tôi tin rằng thế hệ đi trước cũng luôn có nguồn khán giả riêng, họ đi cùng các nghệ sĩ qua năm tháng.
|
Huỳnh Lập trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn. |
- Liệu có sự xung đột nào về thị phần, tư tưởng giữa loạt diễn viên hài nổi tiếng trên mạng và những nghệ sĩ hài đi trước định danh nhờ sân khấu - truyền hình?
- Tôi nghĩ là không quá xung đột. Các nghệ sĩ hài đi trước làm live show vẫn bán được rất nhiều vé, người lớn vẫn thích lối diễn hài như vậy, và nhiều người trẻ cũng vẫn thích.
Tất nhiên quy luật vẫn là phía sau đi lên, và không có gì là độc tôn được mãi mãi. Giống như sau lứa chúng tôi, vẫn có những lứa khác. Nhưng quan điểm của tôi là quan trọng nhất vẫn là mình làm tốt và chinh phục được khán giả của mình.
Tôi cũng không bao giờ nghĩ các anh chị đi trước là lỗi thời vì như giải Oscar cũng vậy, rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi vẫn được trao giải.
Chỉ có điều, thời đại cũng quyết định nhiều thứ, giống như chiếc smartphone, ai không dùng cũng vẫn được, nhưng phải chấp nhận bị tụt hậu. Nghĩa là với nghệ sĩ ngày nay, nếu biết tận dụng công nghệ, cập nhật những xu hướng mới mẻ thì sẽ càng thuận lợi.
- Công chúng từng kỳ vọng về một thế hệ nghệ sĩ hài trẻ 9X sau lứa 8X của Trường Giang, Trấn Thành, Thu Trang,… nhưng dường như lứa này vẫn chưa có được những bước tiến đột phá để định hình chính mình?
- Nói vậy tôi thấy đúng vì công bằng mà nói lứa chúng tôi chưa tìm được một vai nào đàng hoàng về điện ảnh, truyền hình hoặc tác phẩm sân khấu. Chúng tôi mải rong chơi trên YouTube, chúng tôi bị cuốn theo những lượt view, những thế giới ảo.
Chúng tôi chưa dành thời gian và khả năng thực sự của mình để làm cái gì nghiêm túc, giống như một sản phẩm nghệ thuật chính thống.
YouTube cần phá cách, hiện đại, trẻ trung nhưng sự khùng điên đó không mang lên sân khấu, điện ảnh, truyền hình được. Thế nên dù tài giỏi cỡ nào, nổi tiếng cỡ nào, chúng tôi vẫn bị mang tiếng là diễn viên YouTube. Cái đó là thật.
|
Nam diễn viên cho biết "tre già măng mọc" là quy luật của showbiz. |
- Và còn mang tiếng là chỉ biết giả gái, nhái MV. Theo anh, đó là định kiến hay thực tế?
- Thực ra, nghệ thuật hài rộng lắm. Tất nhiên, ai cũng mong có một vai đàng hoàng, có một vai xuất chúng. Bản thân tôi cũng vậy, rất muốn có một vai gây lan tỏa về diễn xuất, chứ không muốn làm mãi một kiểu trên YouTube.
Ai cũng mưu cầu nghệ thuật chính thống, chỉ là đôi khi nó chưa đến. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, chúng tôi cũng rất may mắn khi có thể mang được tiếng cười cho khán giả, phù hợp với thời đại.
Chỉ có điều, đúng là trong lứa hài trẻ trên mạng cũng có người diễn bất chấp. Thực ra, nó không xấu, thậm chí rất sáng tạo. Nhưng cũng cần cân bằng lại vì cái gì cũng phải có sự tinh tế. Nếu làm được như vậy sẽ chinh phục được những khán giả khó tính.
- Với ý kiến cho rằng thế hệ hài 9X cần tiết chế sự "lố" trong diễn xuất, anh nói gì?
- "Lố" chẳng qua là thủ thuật thôi, nhiều khi không lố không ai cười. Tất cả mọi thứ đều theo nhu cầu giải trí, nói lố thì hơi tiêu cực, thực ra đó đơn giản chỉ là làm mạnh hơn, "over" hơn. Đó cũng là một cách nhấn mạnh, có vậy mới được yêu thích.
Nói vậy chứ, nếu xét về việc cập nhật xu thế mới, xu thế trên mạng, cập nhất tính thời đại thì lứa diễn viên hài 9X đang làm rất tốt.
"30 tuổi, chúng tôi mới xứng đáng làm host game show"
- Vậy, phải đến bao giờ thế hệ cùng trang lứa với anh mới ngồi được vị trí host của những game show, mới là vedette của những chương trình hài trên sân khấu, truyền hình như Trường Giang, Trấn Thành hiện tại?
- Tôi nghĩ là vài năm nữa, thế hệ chúng tôi có thể chứ. Thông thường một thế hệ là 10 năm, chúng tôi mới có hai mấy tuổi thôi, tầm 30 đứng ở những vị trí ấy, họa may người ta mới nói xứng đáng, chứ bây giờ còn trẻ quá.
Nhưng nói vậy càng phải nể thế hệ các anh đi trước, họ đã gồng gánh công việc, nghiệp diễn khá lâu vì thế hệ sau chưa định hình và thay thế được.
- Hoạt động trên YouTube khó có thể trở thành nghệ sĩ hạng A, đó là lý do anh chuyển hướng sang điện ảnh?
- Đúng hơn tôi không muốn mình rong chơi mãi trên YouTube. Nhưng cũng không vì thế mà tôi làm phim để cố đạt được hạng A, hạng B hay điều gì đó xa vời trong nghề. Cứ mỗi giai đoạn tôi lại muốn gắn bó với một thể loại mới.
Trước có một dạo tôi gắn liền với game show, sau đó chuyển sang parody, rồi lại nhảy sang web drama, cứ mỗi khoảng thời gian, tôi lại muốn học hỏi điều gì đó, sau điện ảnh, có thể sẽ là sân khấu.
- Từ mạng bước chân vào điện ảnh, anh có cảm thấy chông chênh, xa lạ?
- YouTube giống như mình vung tiền vậy. Nhưng điện ảnh thì phải kinh doanh nghệ thuật vì nó liên quan đến việc bán vé. Không biết YouTube tồn tại bao lâu nữa, nhưng điện ảnh thì trường tồn, tạm gọi là vững chắc. Mà điện ảnh thì không rong chơi được, chỉ có YouTube mới rong chơi được thôi.
Chông chênh thì không nhưng cũng có những khó khăn. YouTube thì thoải mái thật, muốn làm gì thì làm nhưng đã sang điện ảnh thì mình phải chấp nhận. Điện ảnh không thể sáng tạo hết mức được, muốn ra tác phẩm mình phải được duyệt.
|
Huỳnh Lập tin điện ảnh là trường tồn, trong khi YouTube chỉ có thời. |
- Mới đây, Hoàng Yến Chibi bật khóc vì "Thất sơn tâm linh" phải đổi tên, bị cắt nhiều phân đoạn khi ra rạp. "Pháp sư mù", tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh cũng về đề tài tâm linh, vậy đã qua được ải kiểm duyệt chưa?
- Đã làm phim về tâm linh thì ai cũng khát khao khai thác những mặt tối. Nhưng phim của tôi lại khai thác những mảng sáng của tâm linh, để thấy tâm linh cũng gần gũi với số đông. Tôi tích cực sửa từ trước để qua được ải kiểm duyệt vì tôi nghiệm ra phim càng máu me, kinh dị càng dễ bị cắt nên tốt nhất là mình tiết chế từ đầu.
- Nghĩa là đã… tự vo tròn?
- Thôi mình cứ làm tròn trước, chứ lúc bảo cắt, thú thật là tôi cũng không biết cắt gì. Mình đã làm như thế rồi để hy vọng không bị cắt, chứ bị cắt thành ra mất phần này, phần kia không còn nguyên vẹn nữa.
"Từng nhìn đâu cũng thấy lo sợ"
- Một số người quen của anh nói rằng Huỳnh Lập sống rất tâm linh, động chút là đi cúng. Thực hư thế nào?
- Đó là quãng thời gian 2016-2017 thôi. Thời gian đó tôi như bị mất phương hướng, động gì cũng đi cúng, mang hết tượng này tượng kia về thờ mà không nghiên cứu rõ ràng, không biết mình đang thắp nhang, cúng kiếng cho ai.
Tôi nhìn vào đâu cũng thấy lo sợ, mọi thứ đều tiêu cực, nhìn ai cũng sợ họ chơi ngải mình, khoảng thời gian đó, tôi quá sa ngã về tinh thần. Nhưng nó chỉ kéo dài khoảng vài tháng trong năm đó, sau đó tôi tỉnh ra.
Khi mình đã tỉnh ra, nghĩa là mình khỏe mạnh về tinh thần thì chẳng ai làm gì được. Câu chuyện này đã được tôi lấy cảm hứng và kể trong web drama Ai chết giơ tay năm 2018.
|
Nam diễn viên từng trải qua khủng hoảng về tinh thần trong thời gian 2016-2017. |
- Cũng có thông tin là anh chuyên giải đáp những vấn đề về tâm linh cho các đồng nghiệp trẻ?
- Đúng là sau thời gian đó nhiều người cũng hỏi tôi về các vấn đề tâm lý. Bạn có tin không? Ví dụ có người sáng thức dậy thấy mệt mỏi, chán chường, không muốn làm gì cũng nhắn tôi: “Anh ơi, em bị làm sao”. Tôi mới hỏi lại: “Thế hôm qua có thức khuya không?”, bạn ấy trả lời “Có”. Tôi bảo đấy chính là lý do mệt mỏi. Tóm lại đó đều từ yếu tố tâm lý.
- Anh xuất thân trong gia đình giàu có phải không?
- Không, gia đình tôi khá giả thôi. Nhưng ba mẹ tôi cũng đến lúc ngừng lại việc kiếm tiền rồi và tôi cũng phải chăm lo cho ba mẹ.
- Anh đang có thu nhập tốt từ nghề?
- Tôi cũng đã có nhà, có xe, có thể hỗ trợ được bố mẹ, thoải mái về tài chính. Thu nhập của tôi chủ yếu đến từ quảng cáo vì tôi làm về quảng cáo mà.
- Anh nghĩ mình có gì để có thể đi được đường dài trên con đường nghệ thuật vốn không ít chông gai, thử thách?
- Tôi nghĩ mình dũng cảm, dám nghĩ dám làm, từ đó cho mình nhiều kỹ năng. Tôi quan niệm thất bại sớm thì khôn ngoan sớm. Chuyện gì đến với mình nên đến với mình sớm, chứ lúc già rồi mới đến thì vấp ngã sẽ đau.
(Theo Zing)
Huỳnh Lập tiết lộ chuyện 'rùng rợn' về bài đồng dao trong 'Pháp Sư Mù'
- Huỳnh Lập thừa nhận từ nhỏ đã bị ám ảnh với bài đồng dao Cô Dâu Chú Rể, khẳng định không phải ngẫu nhiên nó được chọn làm chất liệu cho hai phim kinh dị Bắc Kim Thang và Pháp Sư Mù.
0 nhận xét