Vì sao mỹ nhân phải khỏa thân nhiều trên phim?
Tỷ lệ khỏa thân của nữ giới nhiều gấp 4 lần nam trên màn ảnh. Điều này cho thấy xu hướng công chúng luôn bị hấp dẫn bởi cơ thể phụ nữ hay là sự bất bình đẳng giới tính đáng lên án?
Tổ chức về quyền Plan International và trung tâm nghiên cứu Geena Davis vừa công bố nghiên cứu mới nhất liên quan đến vấn đề phân biệt giới trong nền công nghiệp phim ảnh.
Nghiên cứu này được thực hiện với 56 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2018 ở 20 quốc gia. Theo kết luận, mặc dù được giao nhiều vai diễn vai vế, quyền lực nhưng tỷ lệ diễn viên nữ phải phơi bày cơ thể cao gấp 4 lần diễn viên nam.
Nghiên cứu mới cũng sử dụng phương pháp học máy (machine learning) phân tích dữ liệu của 56 phim ăn khách và đi đến kết luận, gần 1/3 diễn viên nữ đóng vai quyền lực phải diện đồ hở hang hoặc phơi bày da thịt.
Cụ thể là con số 30% cho các nhân vật nữ, so với 7% cho các nhân vật nam trên màn ảnh. Kể cả phụ nữ ở vị trí lãnh đạo trong phim cũng có nhiều khả năng bị kích dục và quấy rối tình dục nhiều hơn nam giới.
Anne-Birgitte Albrectsen, giám độc của Plan International khẳng định: “Nói rộng hơn đó là sự phân biệt giới tính và định kiến độc hại vẫn chiếm ưu thế trên màn ảnh”.
Nhưng thực chất, việc nữ giới có xu hướng phải cởi nhiều hơn trên phim ảnh xuất phát từ những nguyên nhân gì và nó có thực sự là dấu hiệu cho thấy sự bất bình đẳng giới đáng báo động?
|
Số lượng nữ diễn viên khoe thân trên màn ảnh nhiều gấp 4 lần so với nam giới. |
Cơ thể phụ nữ luôn có sức hút với cả hai giới
Hình tượng phụ nữ khỏa thân luôn là vẻ đẹp khiến loài người từ trước đến nay mê mẩn, là nguồn cảm hứng cho vô số loại hình nghệ thuật mà phổ biến nhất là hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và điện ảnh.
Trong lịch sử hội họa, phụ nữ được khắc họa khỏa thân nhiều hơn nam giới bởi rất nhiều lý do, trong đó lý lẽ thuyết phục nhất thuộc về vẻ đẹp tạo hóa.
Không thể phủ nhận tạo hóa vốn trao cho người phụ nữ một cơ thể với nhiều đường cong gợi cảm, bí ẩn và nên thơ. Và vẻ đẹp ấy đã được thừa nhận từ hàng nghìn năm với vô số những tác phẩm nghệ thuật ở mọi hình thức.
Điện ảnh, xét về mặt công cụ thì về bản chất cũng là truyền tải câu chuyện thông qua hình ảnh. Vì thế mức độ tương đồng giữa tranh ảnh và điện ảnh là rất cao. Điện ảnh cũng dùng những vẻ đẹp thể xác của phụ nữ như một chất xúc tác của nghệ thuật hòng truyền tải những quan điểm thẩm mỹ của tác giả về nhân sinh quan.
Cơ thể của phụ nữ với những đường cong tuyệt tác, với một khuôn ngực nhấp nhô, bờ hông cong cong, một khung xương mỏng manh ấy là cội nguồn cảm hứng, dẫn dắt những nhà phim với khao khát chạm tay đến những giá trị nghệ thuật bản năng nhất của con người – nhục dục.
|
Vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ là tuyệt tác của tạo hoá và hấp dẫn với cả hai giới. |
Không chỉ vậy, cơ thể phục nữ luôn có sức hút đặc biệt đối với cả nam lẫn nữ. Nam cũng thích được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ và chính phụ nữ họ cũng thế. Còn cơ thể người nam, không phải lúc nào nam giới cũng thích ngắm nhìn và giới nữ cũng vậy. Đó là sự thật không thể chối cãi trong nghiên cứu thị giác. Chính vì thế, việc cái gì được yêu thích hơn thì thường được khai thác nhiều hơn là điều rất hiển nhiên.
Tuy nhiên, dù gì điện ảnh vẫn là hình thức giải trí, nghệ thuật mang tính thời đại nên cần tuân thủ những quy chuẩn xã hội mới được đặt ra. Theo đó, nên được thể hiện theo một cách ẩn dụ và tinh tế khi quyết định phô bày những đường nét của cơ thể con người trên màn ảnh.
Trong hội hoạ, tác phẩm Venus of Urbino của hoạ sĩ Tiziano được xem là một trong những bức tranh xuất sắc của nghệ thuật Phục hưng Italy, khắc họa rõ tính chất đời thực trong hội họa thế kỷ XVI.
Nàng Vệ nữ - nhân vật bước ra từ thần thoại Hy Lạp biểu tượng cho sắc đẹp, tình yêu đang nằm ở tư thế ngả người duỗi ra trên ghế, phô diễn mọi vẻ đẹp thanh tân của nàng. Thế nhưng, sự quyến rũ của nàng Vệ nữ được nhắc đến nhiều hơn cả bởi bàn tay che đi vùng kín. Nó vừa như khơi gợi đến nhục dục, vừa như chặn lại những ham muốn ấy trong một ranh giới hết sức mong manh.
Vậy nên, có một câu hỏi đặt ra rằng: Khi một cơ thể được khắc họa trên màn ảnh, dừng ở đâu thì gọi là đẹp?
|
Khỏa thân trên màn ảnh bao nhiêu là vừa đủ? |
Hay định kiến rằng: Vẻ đẹp thật sự của phụ nữ nằm ở thể xác?
"Điện ảnh có tiếng nói rất mạnh mẽ. Chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp sức mạnh của điện ảnh trong việc định hình những ham muốn, kiểm soát thái độ của công chúng. Nó có thể thay đổi hành vi và hình thành ý tưởng của họ về những giá trị của phụ nữ.
Phim ảnh thường vô tình đưa ra “quy định” rằng chúng ta nên coi trọng ở phụ nữ ở những điều gì. Họ khéo léo ép buộc khán giả thấy được giá trị của một người phụ nữ dựa trên thẩm mỹ thể xác của cô ấy”- Anne-Birgitte Albrectsen nói.
Thực tế, không khó để nhận ra xu hướng độc hại này. Chỉ cần nhìn vào cách Marvel hay DC đã thể hiện các nữ siêu anh hùng của họ trên màn ảnh ra sao. Nếu sở hữu quyền năng, sức mạnh phi thường là chưa đủ, họ cần phải khoác trên mình những bộ cánh hở hang hay ít nhất là phải khoe một chút sự quyến rũ da thịt.
|
Dù là một nữ thần, nữ chiến binh hùng mạnh, Wonder Woman vẫn phải ăn mặc "hở hang" để hấp dẫn khán giả. |
Theo tổ chức Plan International, cách làm này được gọi là “Male Gaze”. Cụ thể, trong lý thuyết nữ quyền, đó ánh mắt đàn ông trong việc miêu tả phụ nữ và thế giới của họ. Trong nghệ thuật thị giác lẫn trong văn học, góc nhìn nam tính được thể hiện đối với phụ nữ - đối tượng tình dục hòng làm hài lòng người xem nam.
Hollywood biết rằng việc đóng khung các câu chuyện thông qua cơ chế truyền thống đó là yếu tố quan trọng để đảm bảo doanh thu cho các bộ phim của họ. Minh tinh Geena Davis, người nổi tiếng với bộ phim nữ quyền Thelma and Louise cho rằng các cô gái cần được thấy bản thân họ lên phim và cần được xem những nhân vật nữ tích cực, độc đáo, truyền cảm hứng cho họ.
|
Phụ nữ thường bị đặt vào phe yếu thế và bị khai thác cơ thể một cách triệt để trên màn ảnh. |
Trợ lý thiết kế Lotte Morrison của Titanic cho biết: “Phim thường cho người phụ nữ trở thành tâm điểm trong mỗi cuộc làm tình trên màn ảnh. Nhưng tôi lại không thể đồng cảm về điều ấy”. Cô cho biết chính việc tập trung quá nhiều vào hình thể phụ nữ trong những cảnh nóng vô tình định hình trong suy nghĩ của công chúng về một hình mẫu “không có thật”. Khán giả bị gieo vào đầu rằng: Phụ nữ đẹp nhất, quyến rũ nhất là khi cởi đồ và lên giường.
Dù là nam hay nữ, quan trọng là cởi để làm gì?
Nhìn thấy sự chênh lệch nặng nề giữa số lượng tranh khoả thân nam và nữ trong suốt chiều dài lịch sử hội họa cho tới nay, Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh nêu ra định hướng rằng số lượng tranh khỏa thân khắc họa nhân vật nữ nên được cân bằng về số lượng so với tranh khắc họa nhân vật nam kể từ bây giờ.
Bởi họ muốn phản ánh đời sống nghệ thuật đương đại giữa bối cảnh bình quyền nam nữ đang trở thành đề tài được quan tâm và cực kỳ nhạy cảm trong đời sống nghệ thuật. Điện ảnh cũng thế, khi cán cân giới tính lệch lạc trên màn ảnh cũng là những tiếng nói phản đối, kêu gọi sự cân bằng được cất lên.
“Thật không công bằng khi thường trong các phim, phụ nữ thường khỏa thân nhiều hơn nam giới", Tom Hiddleston nói. Nam diễn viên người Anh nói rằng thông thường các vai diễn nữ thường khỏa thân nhiều hơn nam giới nên anh muốn những vai diễn tới đây của mình mang đến sự cân bằng nhất định.
|
Nam và nữ giới cần được cân bằng về mức độ khoe thân trên màn ảnh nếu việc khỏa thân là cần thiết trong tác phẩm ấy. |
Chuyện nữ diễn viên phải ăn mặc khoe thân, trút bỏ xiêm y, chuyện cảnh nóng khai thác bao nhiêu cho đủ, cảnh nóng như thế nào là đồi trụy và như thế nào mới đẹp mắt, nghệ thuật...
Mỗi người làm phim, mỗi đạo diễn, diễn viên và mỗi khán giả đều có riêng mình những chuẩn mực nhất định trong việc thực hiện và tiếp cận phim ảnh.
Có thể những cảnh khỏa thân đó đối với đạo diễn là quan trọng và có ý nghĩa nhưng với công chúng thì không và ngược lại. Như thế nào là đủ, cần thiết và hợp lý? Câu trả lời nằm ở trái tim của mỗi người làm phim và ý thức của mỗi cá nhân xem phim.
Bất kể đó là cơ thể của nam hay nữ, đó đều là con người và đều tượng trưng cho những hình thái tâm sinh lý đặc trưng của con người ở đa dạng giới. Kể câu chuyện bắt đầu từ cơ thể con người, nơi ẩn chứa những góc khuất tối tăm của mỗi cá thể là việc làm không sai.
Nhưng cách kể đó chỉ đáng được hoan nghênh khi nó không mang bất kỳ hàm ý phân biệt nào, thuần ở sự vô tư, thuần là một câu chuyện nghệ thuật nhìn từ góc độ con người.
Tại sao phải mô tả vẻ đẹp thể xác của phụ nữ theo góc nhìn của đàn ông và ngược lại?
Theo Zing.vn
Diễn viên Lan Phương phải khoả thân giữa trời rét 5 độ
Lần đầu tiên Lan Phương chia sẻ hậu trường quá trình đóng phim 'Nàng dâu order' với những ngày phải vắt sữa cho con trên phim trường hay nude trên đỉnh Fansipan khi trời lạnh 5 độ.
0 nhận xét