Breaking News
Loading...

Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm với khát vọng ngân dài tiếng chiêng

Share on Google Plus

Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm là người trẻ nhất trong số 12 nghệ nhân của tỉnh Đắk Lắk được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian năm 2006 vì có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Tuổi thơ gắn với nhịp chiêng

Theo nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm, trước đây buôn M’Duk có nhiều người biết đánh chiêng, trong buôn có nhiều bộ chiêng quý. Mỗi lần buôn làng có lễ tục quan trọng như lễ thổi tai, bỏ mả, mừng lúa mới… thì nhịp chiêng lại vang lên rộn ràng, khiến bao người thích thú, say mê.

nghe nhan y hiu nie kdam voi khat vong ngan dai tieng chieng hinh 1
Nghệ nhân Y Hiu kiên trì giải thích, cầm tay từng em để dạy cách đánh cho đúng âm.

Thời ấy, không ai tổ chức dạy đánh chiêng. Vì thế, khi bị hút hồn bởi tiếng chiêng, cậu bé Y Hiu Niê Kđăm lân la tiếp cận các bậc già làng và những người giỏi đánh chiêng, một mình đi đến các lễ hội trong vùng để lắng nghe các bài chiêng, quan sát cách các ông, các chú đánh chiêng và bắt chước đánh theo.

Theo tập tục của buôn làng Ê đê trước đây, chiêng chỉ được đánh trong những ngày lễ, ngày hội, không được đánh trong nhà. Do vậy, những lúc chăn trâu, chăn bò trên đồi, Y Hiu thường mang theo chiêng tre để tập đánh cùng các bạn. Tập nhiều nên biết đánh và thuộc nhiều bài chiêng. Bởi thế, không lâu sau khi tiếp cận cồng chiêng, ông đã thành thạo tiết tấu chiêng không thua kém một nghệ nhân thực thụ nào. 

Nghệ nhân Y Hiu nhớ lại, thời điểm đó, đội cồng chiêng ở buôn M’Duk là nơi hội tụ những người đánh chiêng lão luyện của buôn làng, tuổi đời đều từ 30 đến 40. Chỉ Y Hiu là ngoại lệ, khi đó mới chỉ 8 tuổi đã được chọn vào đội.

Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với tiếng chiêng đã ăn sâu vào trong tâm khảm, theo ông cho đến ngày nay, khi ông đã gần 70 tuổi.

Người thầy của nhiều lớp truyền dạy chiêng

Trong khoảng sân rộng trước ngôi nhà sàn truyền thống, một nhóm thiếu niên người Ê đê tập trung chuẩn bị cho buổi học. Những ống tre nhiều kích cỡ khác nhau trong bộ chiêng tre lần lượt được mang ra. Nghệ nhân Y Hiu phát từng bộ chiêng tre cho các học trò và sắp xếp vị trí đội hình.

nghe nhan y hiu nie kdam voi khat vong ngan dai tieng chieng hinh 2
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm tự tìm cách cụ thể hóa các tiết tấu bằng những ký hiệu riêng, vẽ lên bảng cho các trò dễ hình dung.

Trong lớp học, mỗi em ngồi trên một chiếc ghế nhựa, quây thành vòng tròn xung quanh nghệ nhân. Nghệ nhân Y Hiu ngồi trên ghế, tay phải cầm dùi chiêng, tay trái cầm thanh K’nah tre đặt trên đầu gối. Khi nghệ nhân hướng dẫn, mỗi học viên trên tay cầm 1 thanh tre và chiếc dùi, chăm chú quan sát từng động tác của thầy giáo, cách cầm dùi, gõ nhịp và nhẩm nhịp đánh. Sau một lúc hướng dẫn chung, thầy Y Hiu lần lượt hướng dẫn và kiểm tra từng em. Tuy mới học nhưng một số em nắm bắt cách gõ nhịp khá nhanh. Có em cảm âm tốt, gõ đúng ngay sau khi thầy hướng dẫn. Quan sát học sinh, thầy Y Hiu phân nhóm các em tùy theo khả năng tiếp thu của từng em để có cách hướng dẫn phù hợp.

Kể về cái duyên “làm thầy”, nghệ nhân Y Hiu cho biết, ông bắt đầu dạy chiêng từ năm 2002, khi ấy lớp chiêng trẻ của buôn M’Duk chuẩn bị khai giảng nhưng không tìm được nghệ nhân truyền dạy. Vì không muốn con trẻ bỏ lỡ cơ hội học chiêng, ông đã đăng ký với đơn vị tổ chức để được đứng lớp. Kết thúc khóa học, phần lớn học viên lớp chiêng buôn M’Duk đã biểu diễn thuần thục những bài chiêng cơ bản với kết quả vượt trội hơn hẳn những lớp chiêng được tổ chức cùng thời điểm. Từ đó, nghiệp truyền dạy chiêng gắn bó với ông, khiến ông được nhiều lớp thanh thiếu niên gọi là “thầy”.

Gần 20 năm qua, ông không thể nhớ hết mình đã dạy bao nhiêu lớp chiêng ở các buôn làng. Đến nay, số học trò được ông truyền dạy phải lên tới con số vài trăm, có những phụ huynh cũng vì yêu thích mà xin theo học. Như trường hợp anh Y Joen Niê Kđăm, là bố của em Y Tâm H’Đơk (ở buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), mỗi tối đưa con đi học, anh Y Joen nán lại để học lỏm. Từ một người không biết đánh chiêng, anh dần “nghiện” những thanh âm ấy rồi anh rủ anh em, bạn bè đến nhờ thầy Y Hiu truyền dạy. 

Nghệ nhân Y Hiu tâm sự, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, chỉ cần yêu thích và kiên trì theo học là ông sẵn sàng truyền dạy và không thu một đồng học phí nào. Việc truyền dạy chiêng chủ yếu bằng lời nói và cảm nhận chứ không có sách vở nào hướng dẫn. Ông đem hết tâm huyết, niềm say mê để dạy cho học trò, kiên nhẫn quan sát từng người để nắm bắt khả năng cảm thụ và tìm ra cách dạy sao cho dễ hiểu nhất. Lớp học của ông vì vậy không bao giờ có tiếng la mắng. Nếu học trò chưa hiểu, ông kiên trì giải thích, cầm tay từng em để dạy cách đánh cho đúng âm, đến chừng nào hòa nhịp được mới thôi. Ông còn tự tìm cách cụ thể hóa các tiết tấu bằng những ký hiệu riêng, vẽ lên bảng cho các trò dễ hình dung.

Nhìn thấy trong ánh mắt học trò sự chăm chú quan sát, sự thích thú với những gì đã được học, tuy có em còn vụng về, chưa cảm âm tốt, đánh lỗi nhịp nhưng với nghệ nhân Y Hiu, đó là niềm hạnh phúc, sự động viên tinh thần rất lớn, là điều thôi thúc ông tiếp tục với nghiệp truyền dạy đánh chiêng.

Thao thức vốn chiêng

Theo truyền thống Ê đê, chỉ có người trưởng thành mới được sử dụng chiêng, còn trẻ em chưa đến tuổi thì không được đánh chiêng. Chỉ nam mới được đánh chiêng, còn đối với nữ đó là điều cấm kỵ. Nhưng hiện nay, khi mà không gian diễn tấu cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp, số nghệ nhân biết chỉnh chiêng, đánh chiêng ngày càng ít và đều đã cao tuổi, việc truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận, tiếp nối càng trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Trăn trở với câu hỏi làm gì để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng, gần 20 năm qua, nghệ nhân Y Hiu đã đi rất nhiều buôn làng ở TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận để truyền dạy chiêng. Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, nghệ nhân Y Hiu rất tâm huyết với việc truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Ông là một người thầy rất tận tâm, nhiệt tình, và trách nhiệm trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa của người Ê đê.

Nghệ nhân Y Hiu cho biết, hiện nay, mỗi lớp truyền dạy chiêng tại các buôn khoảng 1 - 2 tháng, ông chỉ có thể truyền dạy cho các em những kỹ năng cơ bản nhất. Thời gian học tập ít ỏi, trong khi diễn tấu chiêng không thể đánh riêng lẻ mà phải đánh theo đội; các tiết tấu, nhịp điệu của từng chiếc chiêng phải cộng hưởng nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. “Dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo không phải là điều đơn giản, bởi trước hết phải khơi dậy cho chúng “mê chiêng”, từ mê chiêng mới khiến chúng “say chiêng” được... Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là sau khi bế mạc lớp học, bọn trẻ “lại trở về con số không”… Bởi cuộc sống bây giờ có nhiều thay đổi lắm, bọn trẻ lại thiếu chiêng để tiếp tục tập luyện, trau dồi, còn tôi ngày một già đi...”, ông bỏ lửng câu nói với ánh nhìn xa xăm, suy tư.

Không chỉ là người biết diễn tấu và chế tác nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Ê đê, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm còn có khả năng truyền cảm hứng, truyền cho các em niềm đam mê cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ dân tộc. Đau đáu sự mai một của những giá trị truyền thống trước áp lực của cuộc sống đô thị, ông còn ấp ủ dự định dạy các em biểu diễn các loại nhạc cụ khác như đàn gong, đing năm, đing buốt.

Niềm vui lớn nhất của ông là khi các dịp tham dự lễ hội, hội thi được gặp lại những đội chiêng trẻ mình từng truyền dạy. Nhìn thấy sự trưởng thành của học trò trong từng tiếng chiêng là điều ông luôn ao ước, để tiếng chiêng ấy được nối dài mãi mãi./.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc