Giỗ Tổ Hùng Vương: Chung một cội nguồn, chung một tinh thần chống Covid-19
Hôm nay (2/4) (tức mùng 10/3 âm lịch), chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Do ngày Giỗ Tổ vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mọi người dân tuân thủ nghiêm quy định hạn chế ra khỏi nhà. Dù không được trở về với đất Tổ, nhưng với tấm lòng thành kính công đức Tổ tiên, nhiều người đã chọn cách dâng hương Quốc Tổ tại gia đình để bày tỏ tình đoàn kết. Đây cũng là dịp để mỗi người nghĩ về tinh thần dân tộc, chung một nguồn cội và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng chống đại dịch Covid-19.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người nghĩ về tinh thần dân tộc, chung một nguồn cội và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng chống đại dịch Covid-19. |
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ Tổ, chị Hoàng Thị Trang Viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội lại đưa con về thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Còn năm nay, trước diễn biến của đại dịch Covid-19, gia đình chị ở nhà, nhắc nhở con cháu về lịch sử và ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Không trở về được với đất Tổ, nhưng từ sáng sớm gia đình đã sắp mâm cơm với nén nhang thơm, thành kính hướng về đất Tổ.
“Con người có tổ có tông như cây có cội như sông có nguồn", gia đình nhỏ bé của tôi cũng có mâm cơm để xin được cúng dâng Vua Hùng. Lễ vật ngoài thanh bông hoa quả, trà thuốc ra thì không thể thiếu bánh chưng, bánh dầy và cơm tẻ. Bánh chưng, bánh dầy thể hiện cho trời và đất, ôn lại ý nghĩa của việc Vua Hùng đã dạy nhân dân cấy lúa, giáo dục cho các con hiểu được truyền thống thờ cúng tổ tiên của mình” - Chị Hoàng Thị Trang Viên cho biết.
Khác với không khí tấp nập mọi năm, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020 tĩnh lặng trong thời điểm cách ly toàn xã hội do đại dịch Covid-19. |
Sống tại tỉnh Phú Thọ, đã hơn 40 năm, năm nào vào ngày này, bà Tạ Thị Nghinh cũng lên Đền Hùng để thắp hương tỏ lòng tưởng nhớ tới các Vua Hùng, nhưng năm nay gia đình bà thực hiện nghiên Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện cách ly xã hội để góp phần chống đại dịch Covid-19.
Bà Tạ Thị Nghinh chia sẻ, “Ở nhà, gia đình tôi bày mâm cơm, có bánh chưng, bánh dày để tưởng nhớ tới các Vua Hùng đã có công dựng nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra là phải cách ly trong 15 ngày. Cho nên chúng tôi ở nhà để góp công sức của mình vào việc chống đại dịch Covid".
Khởi nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên, ý thức thờ cúng Hùng Vương, qua thời gian đã thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, niềm tự hào của những người cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc khẳng định: “Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt. Nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Người dân được đo thân nhiệt ở đền Hùng vào sáng 2/4. |
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, Giỗ Tổ không nhất thiết phải lên Đền Hùng, nơi phát tích tín ngưỡng, mà có thể tùy điều kiện làm cơm cúng tại gia đình hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại ban thờ để tưởng nhớ gia tiên, tiền tổ, cũng đủ thể hiện lòng thành kính.
“Tôi nghĩ sức mạnh tinh thần không chỉ thể hiện ở nhận thức của người dân mà còn được thể hiện ở những cơ hội, nhất là khi chúng ta đứng trước thử thách lớn của lịch sử. Rõ ràng khi chúng ta tiến hành chống dịch bệnh Covid 19 này đã là một cơ hội để chúng ta thể hiện được tinh thần ấy và dịp giỗ tổ Hùng Vương cũng là lúc thể hiện tinh thần ấy, đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trong bối cảnh ấy, việc tuân thủ những mệnh lệnh của Chính phủ, tôi cho đấy là một yêu cầu rất cao" - Ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Năm nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra đúng thời điểm cả nước đang nỗ lực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ chống đại dịch Covid-19. Những giá trị tinh thần thiêng liêng của ngày Giỗ tổ Hùng Vương gói trọn trong hai tiếng “đồng bào”. Trong lời kêu gọi toàn dân chống đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, phòng chống đại dịch Covid-19.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Giỗ Tổ là dịp để mỗi người nghĩ về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung một nguồn cội và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng chống đại dịch Covid-19.
“Một lần nữa chúng ta lại cần trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Đó chính là truyền thống từ nhiều thế hệ để lại mà Giỗ tổ Hùng Vương, nghi thức hướng về tổ tiên củng cố khối đoàn kết để cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nắm tay nhau để mà vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng nhân dịp Giỗ tổ Hùng vương này, chúng ta cũng cần nhắc lại tinh thần ấy” - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang chia sẻ.
Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đúng thời điểm cả nước đang dành toàn lực chống đại dịch Covid-19 càng cho thấy toàn dân chung một cội nguồn, cần chung một tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh./.
0 nhận xét