Breaking News
Loading...

Trần Đăng Khoa: Sợ dịch, người ta từng chôn vội cả người còn sống

Share on Google Plus

PV: Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, vẫn biết ông không muốn kể thêm về chuyện mẹ mình. Vì những điều cần nói, ông cũng đã nói rồi. Bài viết về mẹ của ông trên trang facebook của mình, kể cả trang Fanpage Nhà thơ Trần Đăng Khoa, đã có trên vạn người chia sẻ. Do đó bạn đọc lại muốn biết thêm một số tình tiết. Trước hết là sự nhầm lẫn của cụ bà giữa dịch Corona – Covid-19 với dịch hạch…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mẹ tôi quen dùng chữ đó mà thôi, mấy chữ nước ngoài kia, cụ không nhớ được. Dịch vẫn xảy ra ở làng tôi trước đây. Cụ muốn con cháu tổ chức tang lễ trong phạm vi hẹp để tránh sự phiền toái cho nhiều người. Cụ dặn: Nếu ai không đến cũng không được trách người ta.

 PV: Xin ông cho biết thêm, vì sao dịch lại thành ảm ảnh trong tâm trí cụ ?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vì nó rất khủng khiếp và không chỉ xảy ra 1 lần. Không kể dịch năm 1946 đã xảy ra ở làng tôi và trên khắp miền Bắc, năm 1958 – 1959, ở làng tôi cũng có dịch. Người đi chôn người, rồi về là người khác lại đi chôn mình luôn. Sợ quá đi ấy chứ! Sau này tôi đọc kí và truyện của nhiều nhà văn, mới biết dịch năm ấy cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành.

so dich, nguoi ta tung chon voi nguoi con song hinh 1

Năm ấy đói lắm. Vớ cái gì cũng ăn rồi uống nước lã. Người đi làm đồng thì uống luôn nước ở trên ruộng. Bác Minh cũng đã kể  một chi tiết trong cuốn “Đối thoại văn chương” mà tôi không sao quên được.  Có một bà vẫn hay ăn trầu, nên ở cạp quần luôn đeo dây có quai một con dao nhỏ rất sắc. Hôm cải táng bà, con cháu kinh hoàng oà khóc, khi thấy con dao têm trầu ấy, cắm lên nóc ván thiên đóng vội bằng gỗ tạp. Hoá ra khi chôn rồi, bà tỉnh lại. Là vì sợ dịch, nên có người chết là vội đem chôn ngay. Bằng cách ấy, bà đã báo cho con cháu biết…

PV: Thật kinh hoàng…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng thế!

PV: Nghe nói ông cũng đã từng chết trong một nạn dịch tả…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Năm ấy tôi còn bé lắm.

Sự thật như lời bác Minh kể trong cuốn “Đối thoại văn chương, khi tôi đã tắt thở, anh Luận ở nhà bên đã quấn tôi vào tấm áo của mẹ tôi, bên ngoài còn bó thêm mảnh chiếu con, buộc  bằng ba cái lạt dài pha ra từ nhánh tre non mà ông chặt từ  bụi tre nhỏ sau nhà – lúc ấy sau nhà tôi có bụi tre này,  nay không còn.  Anh nhận đem đi chôn luôn. Mẹ tôi bảo anh cứ để đấy đã, và bảo bác Minh đến tìm cậu Tính ngay. Cậu là em ruột mẹ tôi, làm thày lang, nhà ở cuối làng. Cậu tôi đến ngay, cởi lạt, xoa bóp cho tôi, rồi bảo bác Minh chạy gấp sang làng bên tìm ông Thảo. Ông là một y tá quân đội vừa về  phục viên. Ông Thảo tiêm cho tôi một mũi, rồi đưa cho bác Minh 5 đồng, bảo sang Hải Dương ngay, tìm đúng địa chỉ ông ghi, mua một vị thuốc đặc biệt. Lúc ấy đang mưa. Bác Minh khoác áo tơi phóng đi ngay. Bác chạy bộ khoảng 15 km, đi và về là 30 km, may mà có đò, về kịp thời. Bác Minh bảo số tôi không chết được vì những thứ lặt vặt đó. Sau này bác Minh mới biết đó là sâm, chỉ khoảng hơn một đốt ngón tay.

PV: Một cơ may hiếm có. Ông vừa nhắc đến bác Minh, một người anh cả, mà ông cho là tấm gương sáng của cả gia đình. Bạn đọc muốn biết thêm về điều này

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ở gia đình, thì điều quan trọng nhất là việc ứng xử trên dưới ngang dọc, trong nhà, trong xóm, trong họ, trong làng, nhất là việc đó lại liên quan đến đất đai, nhà cửa, lời ăn tiếng nói và đồng tiền bát gạo. Về những điều này, bác Minh như có khả năng lo toan bẩm sinh, chu tất và đàng hoàng, rất hợp với nhân cách của một anh cả, cái đó vào cuộc mới thấy khó lắm. Chỉ có lòng tốt thôi, không đủ đâu. Đã thế, bác lại học thêm được từ gương sáng tiền nhân, trước hết là các cụ tổ tôi, những nhà nho thành đạt, làm quan lớn và là các nhà văn hóa lớn. Bác nhẫn nại, điềm đạm, khiêm nhường, rất tận tình mà lại minh bạch, không lèm nhèm, tham lam. Chưa kể từ năm 1988 đến nay, tiền của tất cả các giải thưởng văn học, kể cả Giải thưởng Nhà Nước ( Quảng Ninh lại tặng thêm bác bằng số tiền bác đã nhận ở Hà Nội) và giải thưởng của nước ngoài, đến vài trăm triệu, bác ấy lặng lẽ ( không công bố báo chí) tặng hầu hết cho các cháu học sinh. Bác rất dị ứng với việc, tặng một bà mẹ Việt Nam anh hùng hay thân nhân một liệt sĩ dăm ba triệu bạc, lại quay phim chụp ảnh, mắt không nhìn người tặng mà chỉ nhìn vào ống kính tuyên truyền cho rõ cái mặt mình. Bác có hai câu thơ, tôi chợt nhớ: “ Những người tốt quanh mình còn nhiều lắm / Cái mình còn là cái đã đem cho”…

Do đó bố mẹ tôi và các anh em chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các quyết sách của bác, và từ xửa xưa đến nay, trong nhà tôi tuyệt không có chuyện mắc mớ, xì xèo gì về nhà cửa tiền nong. Một mình bác lo liệu các việc lớn, như xây lại nhà… các em tự góp vào, có cũng tốt mà ko có cũng tốt. Chứ bác không yêu cầu hay phân bổ. Tuyệt đối không trai gái, cờ bạc,  cà phê, thuốc lào, thuốc lá, rượu chè, kể cả uống bia. Khi tiếp khách, bác chỉ chạm môi cho vui thôi. Vì thế các em và các cháu nội ngoại cũng đều học bác mà vô can trong mọi tệ nạn xã hội.  Bác đến nhà bạn, nếu bạn không có nhà, vợ bạn mời thế nào bác cũng không vào nhà, chỉ đứng ở trước sân, nói xong rồi đi ngay. Nhà văn Ngô Xuân Hội, nhiều năm ở Quảng Ninh với bác,  trong bài đăng báo Văn Nghệ, viết rằng, bác đã đến nhà ai là đi cửa chính, ngồi ở gian giữa,  nói với ai  thì nhìn thẳng vào mặt. Đã hẹn ai là ít khi sai…

PV: Quả là một gương sáng. Bây giờ làm thế hơi khó đấy. Còn văn chương, bác cũng là một nhà thơ nổi tiếng, đã được Giải Nhà Nước ngay từ đợt 2 năm 2007?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Trước hết bác tự học rất ghê. Những năm học Sư phạm, bác nhịn ăn nhiều bữa trưa và hầu hết các bữa trưa ngày chủ nhật để lấy tiền mua sách và đến nhà bà bán sách ở Kẻ Sặt đọc sách trừ bữa. Ra trường, bác dùng hầu hết tiền lương để mua sách. Đã có đến 1 vạn cuốn, hoặc hơn, thường chở sách về làng bằng xe tải, đổ sách bên đường cái quan, để mẹ tôi và chị tôi mang thúng gánh về nhà. Bác lập một thư viện riêng, đóng dấu Thư viện Trần Nhuận Minh hẳn hoi. Bây giờ bác đã tặng đến 90% số sách đó cho các thư viện.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói trong phim “Dòng sông thơ chảy mãi” hiện vẫn có trên Internet: “Trần Nhuận Minh học nhiều, đọc nhiều, hiểu rất cặn kẽ văn hóa và lịch sử, luôn nạp cho mình những năng lượng mới của một nhà thơ, một mình một con đường và không dừng lại ở bất cứ chỗ nào. Sự sáng tạo là không ngưng nghỉ.” Bác thuộc cả “Truyện Kiều” từ năm lên 10 tuổi và viết trong tầm ảnh hưởng rất sâu sắc của Nguyễn Du về số phận con người. Tôi tin thơ bác sẽ là một trong các giá trị của ngày hôm nay còn lại với các thế hệ mai sau .

PV: Tôi và nhiều bạn đọc cũng nghĩ thế. Thế còn cô Thúy Giang? Nghe nói cũng có làm thơ?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cô bé Giang là bạn đọc đầu tiên của tôi. Nhiều khi cô ấy còn gỡ bí cho tôi. Năm 10 tuổi, tôi viết bài thơ “Em lớn lên rồi”: “Năm nay em lớn lên rồi/ Không còn nhỏ xíu như hồi lên năm / Nhìn trời,  trời bớt xa xăm/ Nhìn sao,  sao cách ngang tầm cánh tay / Núi xa lúp xúp chân mây”…Đến đây thì tôi bí. Để nghĩ tiếp, tôi cứ phải đọc đi đọc lại “Núi xa lúp xúp chân mây..”. Bất ngờ Giang tiếp: “Cái ao bớt nhớn,  cái chày bớt to…” Rất bất ngờ. Đây là cái nhìn của cô bé bốn tuổi nên mới thấy cái ao, cái cối, cái chày là to là “nhớn”. Từ cái ao, cô bé gợi ý, tôi nghĩ đến con sông và bài thơ đã nối được mạch: “Bờ sông khép lại, hàng cây thấp dần/ Nơi xa cũng hoá nên gần/ Quanh em bè bạn quây quần bốn phương…”  Giang làm thơ rất sớm.

Tôi còn nhớ một bài thơ của cô ấy: Vỏ sò và ngọn gió: “Em nâng trên tay/ Bé xíu vỏ sò/ Gió từ biển cả/ Thổi vào vo vo…Em hỏi: Gió ơi!/ Ông cao lớn thế/ Vỏ sò bé tí/ Ông vào làm sao? Gió tằng: Tôi cao/Hơn ngàn đảo đá/ Chính tôi làm nên/ Muôn con sóng lạ/ Nhưng vỏ sò ấy/ Là nơi tôi sinh/ Ai không nhỏ bé/ Trước quê hương mình”. Cô Giang học đại học rồi ra dạy văn cấp 3 ở Cẩm Phả, Hội viên Hội Văn nghệ Quảng Ninh đã vài chục năm. Đã lâu cô ấy không làm thơ nữa. Nghĩ cũng phải, nhà có bốn anh em mà đã có đến ba nhà thơ là rất buồn cười. Đúng không?…

PV: Cảm ơn ông!

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc