UNESCO phát động chiến dịch “Nghệ thuật kiên cường” chống dịch Covid-19
UNESCO hợp tác với Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Nhà Soạn nhạc và Lời (CISAC) phát động chiến dịch "ResiliArt – Nghệ thuật kiên cường" nhằm nâng cao nhận thức về tác động của Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa.
Chiến dịch "Nghệ thuật kiên cường". |
Cụ thể, sự kiện có nội dung khai thác tác động của Covid-19 tới các nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, để cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Cuộc thảo luận trực tuyến không giới hạn số lượng khán giả theo dõi, cũng như đăng câu hỏi bằng chức năng trò chuyện trên trang web.
Buổi thảo luận đầu tiên diễn ra tối 15/4 do Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO khởi động. |
Buổi thảo luận đầu tiên diễn ra tối 15/4 do Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO khởi động, ông Ernesto Ottone, Trợ lý phụ trách văn hóa của Tổng Giám đốc UNESCO; và Jean Michel jarre (Nhà soạn nhạc, chủ tịch CISAC, Đại sứ thiện chí của UNESCO) tham gia. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của ông Yasmina Khadra (Tác giả truyện), Deeyah Khan (Nhạc sĩ, Giám đốc phim tài liệu, Đại sứ thiện chí của UNESCO), Angélique Kidjo (Ca sĩ – Nhạc sĩ và Đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF), Nina Obuljen-Koržinek (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Croatia, Nghệ sĩ vĩ cầm) và Luis Puenzo (Đạo diễn phim, Biên kịch, Nhà sản xuất và Chủ tịch Viện Phim ảnh và Nghệ thuật Nghe nhìn INCAA).
Thông qua một cuộc thảo luận toàn cầu độc quyền với các chuyên gia đầu ngành, "ResiliArt – Nghệ thuật kiên cường" giúp sáng tỏ tình trạng của các ngành công nghiệp sáng tạo hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng. Chiến dịch giúp nâng cao nhận thức về tác động phân nhánh sâu rộng của Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ trong và sau khủng hoảng.
Vlogger Hoàng Minh Tuấn. |
Trong cuộc thảo luận, ông Ernesto Ottone, Trợ lý phụ trách văn hóa của Tổng Giám đốc UNESCO cho biết, tình trạng đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn tới tất cả các ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, vậy nên hôm nay, tất cả những người nghệ sĩ cùng ngồi lại, thực hiện cuộc nói chuyện trực tuyến đầu tiên, nói lên những khó khăn nhưng không đầu hàng trước những thử thách kết nối với công chúng của họ. Nghệ thuật là kiên cường, đúng như tên gọi của chương trình, với những nỗ lực bền bỉ nhất mà UNESCO cùng kết nối với những người nghệ sĩ gây dựng.
Trịnh Đình Lê Minh, đạo diễn bộ phim "Thưa mẹ con đi". |
Một số nghệ sĩ Việt đã tham gia chiến dịch như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Luk Vân, rapper Hằng Kani... Đạo diễnTrịnh Đình Lê Minh đăng lại hình cảnh quay bữa cơm gia đình trong phim "Thưa mẹ con đi". Anh viết: "Nhìn hình ảnh này, tôi thấy bâng khuâng, tự hỏi không biết bao giờ những đoàn phim với hàng chục con người trên trường quay mới có thể hoạt động trở lại, những bữa cơm gia đình nhiều thế hệ mới có thể tiếp tục, bao giờ tôi lại có thể cùng các diễn viên của mình bàn bạc nhiệt huyết về cảnh quay...".
Rapper Hằng Kani kể chuyện sáng tác ca khúc "Chẳng thể cách ly" sau khi xem phóng sự nữ bác sĩ làm nhiệm vụ thời dịch trên truyền hình. "Chị khóc, không phải vì mọi khó khăn ập đến bất ngờ, mà do con gái nhỏ chỉ được gặp mẹ qua màn hình điện thoại từ Tết đến giờ. Và trong khi có nhiều người lo lắng chị có thể lây bệnh cho họ, câu nói của anh chồng ở đoạn kết đã xóa nhòa mọi đắn đo: 'Đừng lo, em cứ về nhà'", Hằng Kani kể. Ý tưởng được cô trao đổi với DOesn’t K và cả hai hợp tác viết ca khúc R&B với ca từ: "Thiếu vắng em, con bé nhà mình vẫn ngoan hay đang thế nào? Bố nhắn con, mẹ ở đây, không bỏ lại phía sau những đồng bào...".
Các nghệ sĩ tham gia đăng tải câu chuyện của họ trên mạng xã hội với hashtag #ShareCulture, #ResiliArt, #WorldArtday lan tỏa thông điệp, sức mạnh kiên cường chống dịch./.
0 nhận xét