Khi nghệ thuật truyền thống vào phim
Điện ảnh nước ta đã có những bộ phim đoạt giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế. Một trong những thành tố tạo điểm nhấn cho phim là việc diễn tả được chiều sâu tâm thức của con người qua nghệ thuật truyền thống. Đôi khi đó cũng được coi như một thủ pháp nghệ thuật để tạo ra nét quyến rũ riêng.
Chú thích ảnh |
Nghệ thuật truyền thống tạo nét riêng cho bộ phim
Trước khi điện ảnh xuất hiện, nghệ thuật truyền thống đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Việt Nam. Trên thế giới hiếm có quốc gia nào có sự đa dạng các loại hình văn nghệ dân gian có diễn xướng như ở Việt Nam. Những người làm điện ảnh đã nắm bắt được ưu thế đó để làm giàu cho ngôn ngữ và tính biểu cảm của điện ảnh. Muốn thể hiện nhân vật mang tinh thần, bản sắc văn hóa vùng, miền nói riêng, bản sắc của Việt Nam nói chung sẽ không có cách nào hiệu quả hơn là đặt họ trong chính không gian văn hóa của từng vùng miền cụ thể.
Bộ phim "Đến hẹn lại lên" (năm 1975) của đạo diễn Trần Vũ kể về câu chuyện tình duyên trắc trở của một cô gái quan họ vùng Kinh Bắc trước Cách mạng Tháng Tám. Nết và Chi gặp gỡ rồi cảm mến nhau trong những lần đi hát ở Hội Lim. Vì quá nghèo nên chưa thể thành vợ thành chồng mà mới chỉ trao cho nhau món quà đính ước. Không gian sinh hoạt văn hóa mang tính đặc trưng của vùng quan họ trở thành địa điểm để đạo diễn kể ra câu chuyện tình yêu này. Tiếng hát, nội dung những bài hát cũng được đan lồng khéo léo vào trong tình tiết của bộ phim. Hình thức hát quan họ giao duyên của vùng Kinh Bắc vừa là đời sống thực tế của nhân vật vừa là không gian có tính biểu tượng cho tình yêu trắc trở và đầy vấn vương. Từ tiếng hát quan họ dịu dàng, e lệ lúc còn trẻ cho đến sự đằm thắm, trưởng thành sau bao năm xa cách người yêu của cô Nết đã miêu tả được sự trôi chảy của thời gian và sự hữu hạn của con người.
Điện ảnh là một loại ngôn ngữ nghệ thuật giàu bản sắc. Vì vậy ở mỗi quốc gia, những người làm phim lại mang đến những sắc màu, khám phá riêng dù một số phim có cùng chủ đề hay chung mẫu hình nhân vật. Sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu như những thước phim điện ảnh có được dung dáng, đường nét và sắc màu của một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng nơi nhân vật sinh sống. Nó tạo ra sự riêng biệt, tính cụ thể cho nơi chốn, vùng miền mà tác phẩm miêu tả. Câu chuyện diễn ra ở đâu, trong môi trường, không gian văn hóa nào… đều có ảnh hưởng đến tính cách nhân vật.
Tăng tính thuyết phục về cảm xúc cho câu chuyện
Để nhân vật biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong phim còn là một giải pháp làm tăng tính thuyết phục về mặt cảm xúc cho câu chuyện.
Ví như trong phim "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhân vật Hạnh như được giải thoát khỏi những cay đắng, bế tắc của mình khi cô được tham gia vào màn hát văn - hầu đồng tại nhà bà thầy cúng. Được sống trong không khí uy linh của tín ngưỡng hầu đồng dường như tâm hồn cô được an ủi. Qua đó, đạo diễn và tác giả kịch bản muốn xây dựng mẫu người phụ nữ giàu đức hy sinh luôn coi hạnh phúc như một sự tôn thờ. Cô sống trọn cho tình cảm, cách nghĩ ấy một cách hoàn toàn tự nguyện. Có thể thấy màn diễn hầu đồng được sử dụng như là một liệu pháp làm giảm căng thẳng cho tâm lý nhân vật, đồng thời chuẩn bị cho diễn biến tiếp theo.
Tương tự như vậy, để cho nhân vật Duyên trong phim "Bao giờ cho đến tháng mười" thoát khỏi những kìm nén để được sống đúng với tâm trạng của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho cô diễn chèo. Trích đoạn chèo tuy là giả nhưng lại giúp cho sự thật được lộ diện. Khi nhập vai Thị Phương trong vở chèo Trương Viên, Duyên phải nuôi những cảm xúc, hát những câu từ gần giống với tình cảnh hiện tại của mình. Lúc này, những xúc cảm thật đã lấn át ý thức đóng giả người khác làm cho cô mất kiểm soát. Duyên chạy khỏi sân khấu để trốn tránh những ánh nhìn dò xét, nhưng lớn hơn là để vượt qua mọi sự kiềm tỏa để được khóc, được đau khổ vì sự mất mát quá lớn của mình. Có lẽ trong cả bộ phim, đây là trường đoạn gây xúc động mạnh nhất với khán giả, vì nó diễn tả chân thực sự hy sinh của người phụ nữ Việt trong hoàn cảnh chiến tranh.
Thúc đẩy kịch tính phim
Việc sử dụng những trích đoạn sân khấu truyền thống phù hợp còn góp phần thúc đẩy kịch tính cho bộ phim. Minh chứng cho điều này phải kể đến vở cải lương "Mỵ Châu - Trọng Thủy" được sử dụng với tần suất khá dày đặc trong bộ phim "Song Lang" (năm 2018). Ở đầu vở diễn, khi nhân vật Linh Phụng và Dũng Thiên lôi mới bắt đầu quen biết và đồng cảm với nhau thì đạo diễn sử dụng những trích đoạn có màu sắc tươi sáng. Càng về sau, khi những diễn biến khó lường bắt đầu rình rập mối quan hệ của họ, những trường đoạn được lồng ghép mang ý nghĩa khác hẳn. Với tông phim trầm thiên về âm hưởng của không gian cải lương xưa, đạo diễn khó có thể tạo ra kịch tính đơn thuần theo kiểu của phim hành động. Chính vì vậy, Leon Quang Lê đã để người xem phải hồi hộp căng thẳng chờ đợi theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra ngay cả trong không gian yên ả của cải lương... Đó là lý do cho những cảnh phim về rạp hát và những diễn tiến về việc Dũng đi đòi nợ cứ đan xen, dền dứ lẫn nhau như một cuộc đuổi bắt. Nhưng rồi cảnh Linh Phụng đứng trong cánh gà bủn rủn, lo lắng được dựng lồng vào trường đoạn Dũng đang đứng trước rạp hát đã mang đến cho người xem một sự ngờ vực. Và có lẽ đoạn phim được cho là kịch tính và gây hụt hẫng nhất chính là lúc Linh Phụng trên sân khấu diễn cảnh chứng kiến Mỵ Châu bị cha giết, còn ngoài sân rạp hát Dũng đột ngột bị đâm từ phía sau lưng. Hai cảnh phim cùng là hình ảnh của cái chết và cùng gây ra cảm giác thương tâm, mất mát. Vì vậy khi Linh Phụng khóc bên bạn diễn giả chết mà người xem tưởng như anh đang khóc cho sự nghiệt ngã của chính đời mình. Cảm giác ấy nhói tim và có thể làm nhiều người phải khóc.
Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào điện ảnh là yêu cầu và cũng là một phương pháp hiệu quả để tạo bản sắc riêng cho các bộ phim Việt Nam. Bên cạnh đó cũng là cách để các đạo diễn tìm tòi, thể nghiệm những cách thể hiện mới độc đáo hơn. Ở góc độ văn hóa, đây còn là một cách bảo lưu và quảng bá những giá trị nghệ thuật xưa đến với khán giả trong và ngoài nước./.
0 nhận xét