Nhà nghiên cứu Phạm Long: “Nạn tranh chép có nguy cơ lan rộng“
Tranh chép lại từ tranh gốc của các họa sĩ nước ta thời kỳ mỹ thuật Đông Dương không phải là chuyện xa lạ. Thế nhưng, chép tranh mà không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, thay tên đổi họ của tác giả là hành vi vi phạm bản quyền. Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long. |
Tranh chép làm giảm uy tín của tác giả
PV: Vào tháng 6/2019, tại sàn đấu giá Remy Le Fur (Pháp) xuất hiện 2 bức tranh chép của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Thị Nhung, đó là bức “Hầu đồng”, “Thiếu nữ”. Những bức tranh chép được bán trên sàn đấu giá quốc tế có ảnh hưởng như thế nào đến các họa sĩ và mỹ thuật nước nhà, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Phạm Long: Tranh chép và tranh vẽ theo tranh gốc của họa sĩ Đông Dương là vấn đề đau đầu của giới sưu tầm tranh. Những người vẽ theo và vẽ nhái không thể thể hiện được chất liệu, nghệ thuật cũng như tình cảm của họa sĩ. Điều này làm giảm sút niềm tin của người mua tranh và giới sưu tập tranh, ảnh hưởng đến uy tín của tác giả trên trường quốc tế?
PV: Tranh chép nhưng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thường được bày bán ở các bảo tàng như đồ lưu niệm. Còn tranh chép xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế thì có vẻ lạ?
Nhà nghiên cứu Phạm Long: Thực ra, nhiều nước có quy định cụ thể về tranh chép hay tranh vẽ theo. Chỉ có điều khi mua bán trên sàn đấu giá uy tín, họ tuân thủ pháp luật, đề rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và người mua biết đó là tranh sao chép hay vẽ theo. Còn nếu mua bán ở những sàn đấu giá nhỏ, thậm chí không tên tuổi thì họ tuân thủ pháp luật lỏng lẻo, việc mua bán tranh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
PV: Trong thời gian gần đây, tranh Việt Nam rất có giá trên thị trường quốc tế, thậm chí có bức tranh được bán lên tới triệu “đô”. Điều này cho thấy mức quý hiếm của những tác phẩm thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Thế nhưng đi cùng với niềm kiêu hãnh là nỗi lo tranh giả?
Nhà nghiên cứu Phạm Long: Việc tranh bán đắt hay rẻ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và độ hiếm của tác phẩm hoặc chất liệu bức tranh. Tranh Đông Dương được sưu tập nhiều do thị trường trong nước đang nóng về dòng tranh này. Các nhà đầu tư chứng khoán, BĐS chuyển hướng sang đầu tư tranh vì mức độ lợi nhuận lớn và độ rủi ro không cao như những đầu tư khác.
Tuy nhiên, việc xác minh tác phẩm gốc và tác giả đích thực là vấn đề khó khăn ngay cả với những sàn đấu giá lớn trên thế giới. Vì thế, các nhà sưu tập khi tham gia đấu giá ở thị trường quốc tế, đặc biệt là những sàn đấu giá không tên tuổi, việc mua phải tranh giả, tranh không rõ nguồn gốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Lấy ví dụ bức tranh “Vỡ mộng” của họa sĩ Tô Ngọc Vân là bức tranh có giá bán rất cao, nhưng mức độ tin cậy của tác phẩm chưa chắc đã cao. Thời điểm Tô Ngọc Vân vẽ bức tranh đó là thời điểm ông đã vẽ khá nhiều tranh sơn dầu xuất sắc, nhưng ông ít vẽ trên chất liệu lụa. Vì thế mức độ hiếm quyết định giá bức tranh cao. Thêm nữa vì ông mất sớm, tranh của ông có ít nên càng được các nhà sưu tập để ý, đẩy giá bán lên cao.
"Hầu đồng" của cố danh hoạ Phạm Chánh. |
Luật còn yếu và thực thi còn kém
PV: Trước những sự việc liên quan đến uy tín của các họa sĩ Đông Dương, giới mỹ thuật trong nước có phản hồi như thế nào?
Nhà nghiên cứu Phạm Long: Mỗi lần xuất hiện tranh giả đem đấu giá ở thị trường quốc tế, giới sưu tập tranh, những nhà hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, giới họa sĩ và gia đình của những họa sĩ có liên quan rất bức xúc lên tiếng ở mạng xã hội cũng như các diễn đàn. Tuy nhiên, tình hình thay đổi không nhiều do luật của chúng ta còn yếu và việc thực thi pháp luật còn kém. Chúng tôi thường đặt câu hỏi, tại sao tội phạm về tiền giả khi bị phát hiện là bị khởi tố, bị đi tù nhưng chưa có vụ án nào về tranh giả, tranh chép được phát hiện mà những người có liên đới bị xử lý nghiêm khắc? Điều đấy dẫn tới hệ quả là tình trạng tranh nhái, tranh chép ngày một nặng nề và có nguy cơ lan rộng.
PV: Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã thành lập được hơn 1 năm nhưng vấn nạn tranh nhái, tranh chép vẫn nhiều?
Nhà nghiên cứu Phạm Long: Sự ra đời của trung tâm giám định này đáp ứng sự mong đợi lâu năm của giới sưu tập tranh trong nước. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hoạt động của trung tâm chưa hiệu quả do chưa có được niềm tin của những nhà sưu tập tranh. Vì không tin tưởng nên họ không đưa tranh đến trung tâm giám định. Mặt khác, trung tâm không có sự chủ động trong hoạt động giám định. Hiện nay, các bảo tàng có nhu cầu giám định cao bởi thực tế trong bảo tàng có bức tranh không phải là tranh gốc. Trung tâm giám định có thể chủ động kết hợp với các bảo tàng, triển lãm lập ra một danh sách đánh giá lại bộ sưu tập tranh của các bảo tàng. Điều này sẽ làm cho công chúng và các nhà sưu tập tranh tin tưởng vào hoạt động của trung tâm.
PV: Xin cảm ơn ông!
0 nhận xét