Bảo hiểm Bảo Việt: Văn học với đề tài dịch bệnh qua những bản chuyển ngữ tiếng Việt
Breaking News
Loading...

Văn học với đề tài dịch bệnh qua những bản chuyển ngữ tiếng Việt

Share on Google Plus

Trong những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của con người trên toàn cầu. Chưa bao giờ, hiện thực đời sống bày ra trước mắt những con người hiện đại lại có sự thay đổi đến mức ngỡ ngàng, thậm chí đáng sợ đến thế. Có rất nhiều tiêu chuẩn đang được định nghĩa lại. Có rất nhiều điều bình thường đang trở nên hiếm hoi và phải đấu tranh mới có thể có được. Nhưng đây cũng là điều sẽ đến mỗi khi xảy ra những thảm họa chung của nhân loại, mà văn học nghệ thuật đã ghi lại. Qua những bản chuyển ngữ tiếng Việt, nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới về đề tài dịch bệnh với nhân loại đã đến với bạn đọc Việt Nam.

van hoc voi de tai dich benh qua nhung ban chuyen ngu tieng viet hinh 1
Nhà văn Pháp Albert Camus.

Tiểu thuyết “Dịch hạch” của nhà văn Pháp Albert Camus, do dịch giả Nguyễn Trọng Định chuyển ngữ, NXB Văn học ấn hành đã ra mắt độc giả Việt từ năm 1989. Lấy bối cảnh chính là thành phố O-ran, một thành phố biển xấu xí của Pháp nằm ở phía bắc Algerie, cuốn sách kể về một nhóm những người đàn ông tập trung lại để cùng nhau chống lại dịch bệnh. Một bản dịch khác của tiểu thuyết này, do dịch giả Võ Văn Dung chuyển ngữ, cũng vừa mới được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành trong những ngày gần đây.

Nhà nghiên cứu Trần Hinh, giảng viên khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Tôi rất ngạc nhiên Camus không hiểu sao từ năm 1947 đã viết về bệnh dịch giống hệt những gì đang diễn ra như hiện nay. Thực ra bệnh dịch hạch mà Camus viết không dựa trên một câu chuyện, sự kiện có thật mà nó chỉ là tưởng tượng. Tất nhiên, khi nghiên cứu cuốn tiểu thuyết này tôi cho rằng nó có hai mặt. Một mặt, nó là một cuốn có tính chất như là kí sự, tức là nó miêu tả dịch hạch như là những gì nó diễn ra, chứng tỏ Camus đã đọc rất nhiều tài liệu về các trận dịch ở trong lịch sử. Thứ hai tức là ông lại mô tả nó như một cuốn tiểu thuyết, có những chỗ chúng ta đọc cũng rất trữ tình. Và ngay cả khi ông viết như một cuốn kí sự, thống kê hằng ngày, bắt đầu từ ngày nào xảy ra chuyện dịch hạch, ngày thứ hai, thứ ba, rồi một tháng sau, ba tháng sau, rồi một năm sau, chính xác câu chuyện mà Camus viết chỉ diễn ra trong vòng mười tháng thì câu chuyện rất là sống động."

Đề tài dịch bệnh có vẻ xuất hiện đậm đặc trong tiểu thuyết Hàn Quốc. Vào năm 2017, cuốn “Tro tàn sắc đỏ” của nhà văn Pyun Hye-Young đã được giới thiệu ở nước ta qua bản dịch của dịch giả Kim Ngân. Một năm sau đó, cũng chính nữ dịch giả kì cựu này đã chuyển ngữ tiểu thuyết “28” của nhà văn Jeong You-Jeong. Với những ai yêu thích cảm giác hồi hộp, kinh dị, đây là hai lựa chọn rất đáng để tìm đọc. “Tro tàn sắc đỏ” là câu chuyện về nhân vật “anh”, bất ngờ được cử sang công tác tại một nước C nào đó, và bị cuốn vào những cách ly dài đằng đẳng. Còn “28” lại lấy bối cảnh thành phố Hwa Yang, mô tả diễn biến dịch bệnh “Mắt đỏ” qua góc nhìn của loài chó.

Đầu năm 2019, Công ty Cổ phần sách Tao Đàn giới thiệu một loạt tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa, trong đó có “Đinh Trang mộng” do dịch giả Nguyễn Minh Thương chuyển ngữ. Người kể chuyện của Đinh Trang mộng là linh hồn cậu bé Tiểu Cường mười hai tuổi. Đinh Thủy Dương, ông nội Tiểu Cường, đã thành công trong việc vận động dân Đinh Trang bán máu để thoát nghèo. Khốn thay, ông vừa khiến họ đổi đời vừa khiến họ mất mạng. Hậu quả của bán máu là đại dịch AIDS lan tràn, trở thành thảm họa.

Một số tác phẩm khác viết về đề tài dịch bệnh đã được chuyển ngữ sáng tiếng Việt có thể kể đến “Báo ứng” của nhà văn Philip Roth, do Hà Nguyễn và Sao Mai chuyển ngữ, “Yersin, dịch hạch và thổ tả” của nhà văn Patrick Deville (sách do dịch giả Đặng Thế Linh dịch), và đặc biệt hơn là cuốn “Vùng cách ly” của tác giả Lorenzo Angeloni, do dịch giả Trần Hồng Hạnh chuyển ngữ khi viết về dịch bệnh SARS ở Việt Nam.

van hoc voi de tai dich benh qua nhung ban chuyen ngu tieng viet hinh 2
Nhà ngoại giao, nhà văn Ý Lorenzo Angeloni, nguyên Đại sứ Ý tại Việt Nam, tác giả của tiểu thuyết Vùng cách ly. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Ra mắt từ năm 2017, nhưng tiểu thuyết “Vùng cách ly” của tác giả Lorenzo Angeloni vẫn đầy tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi cuốn sách, một lần nữa, thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả, trong đó có Đức Anh: "Tên tác phẩm là Vùng cách ly, riêng thuật ngữ "cách ly" về mặt truyền thông đã có thể dẫn dắt người đọc chú ý tới tác phẩm này rồi. Thứ hai, tác giả Lorenzo Angeloni là một tác giả người Ý nhưng mà lại viết văn học với bối cảnh là Việt Nam, bản thân việc đó rất là hấp dẫn.

Nhưng điều quan trọng nhất để tôi tìm đến tác phẩm này là tôi muốn tìm hiểu về dịch bệnh SARS đã từng diễn ra ở Việt Nam như thế nào, bởi vì thời ấy thì tôi còn rất là nhỏ, mà chúng ta được biết rằng truyền thông của ngày ấy không có được như ngày nay nên là về dịch bệnh SARS rất khó tìm được một tường thuật chân thật về nó. Khi tôi mua cuốn sách này, tôi rất hi vọng “Vùng cách ly” cho tôi một trải nghiệm thỏa mãn mong muốn đó. Và sự thực là nó đã làm được điều đó. "

Viết về khoảng năm 2002 – 2003, khi dịch SARS được phát hiện lần đầu ở nước ta, tiểu thuyết “Vùng cách ly” đưa người đọc vào bên trong Bệnh viện Việt Pháp, sống giữa những lo âu trong lòng Hà Nội. Bối cảnh dịch bệnh được tác giả khai thác một cách chi tiết và sống động. Theo chia sẻ của tác giả Lorenzo Angeloni, ông đã bắt đầu thai nghén ý tưởng cho “Vùng cách ly” khi đến thăm trung tâm Carlo Urbani tại trường Đại học Y Dược Huế, nơi được đặt tên theo vị bác sĩ người Italia đã qua đời vì dịch SARS ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhà văn không tập trung vào số phận hay câu chuyện có thật của Carlo Urbani Ông kể câu chuyện của những nhân vật hư cấu, trong sự tái hiện bầu không khí có thực ở Hà Nội khi ấy, khi cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều phải tranh đấu từng giờ trước tử thần, khi mà “nạn khủng bố và đại dịch lây lan khiến con người ngày càng phải sống chung với nỗi sợ hãi. Chúng ta không còn được hạnh phúc như trước kia nữa. Để khắc phục được những cơn sợ hãi này, đôi khi chúng ta phải trả giá quá đắt như tính mạng của bác sĩ Carlo Urbani”: 

"Chúng ta có Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Đó là một trong những bối cảnh được lấy chính, làm sàn diễn cho các nhân vật trong tác phẩm này. Trong đó thì ông miêu tả rất là kĩ từ cắt giảm khẩu phần ăn như thế nào rồi ăn mặc, nói năng của các bác sĩ. Thứ hai là ông đứng ở góc độ của một người nước ngoài và ông có những người bạn ở Việt Nam. Và những hội thoại của ông rất là tự nhiên. Những chủ đề quan tâm như là gia đình, rồi vợ con được đưa vào đây rất là nhuần nhuyễn. Một cảm giác văn chương đặc biệt mà tôi thấy ở ông, đó là ông viết văn như một tác giả người Việt vậy, nghĩa là không có một cái gì mà tôi cảm thấy là lạ lẫm, không có cái gì là góc nhìn từ một người phương Tây hết mà ông đã hoàn toàn hòa nhập vào bối cảnh Việt Nam. Như vậy thì “Vùng cách ly” của Lorenzo Angeloni, nếu giả sử chúng ta đang không sống trong bệnh Covid-19 thì đó vẫn là một tác phẩm viết về một không gian, thời gian, sự kiện rất đặc biệt ở Việt Nam mà kể từ đầu thế kỉ 21 đến giờ không có nhiều tác phẩm như vậy." - Độc giả Đức Anh nhận xét.

Với nguồn tư liệu phong phú, sự quan sát tinh tế, cây bút người Italia đã khiến “Vùng cách ly” trở thành một tác phẩm mang tính khảo cứu về đại dịch SARS. “…Virus và các cuộc khủng hoảng thời đại mà chúng ta sẽ sống qua chính là nền móng cho tương lai tới. Không phải tiếng bom là thứ chúng ta sẽ nghe thấy nhiều trong tương lai nữa đâu (…), tất nhiên là con người vẫn bắn nhau bằng súng, nhưng chính những cơn đại dịch mới là thứ tạo nên sự bùng nổ, tạo nên những tiếng gầm đinh tai, mới là thứ tàn phá thực sự. Những đại dịch cực kỳ bất ngờ xuất hiện và lây lan trong nháy mắt”… Tác giả Lorenzo Angeloni đã viết như thế trong tiểu thuyết “Vùng cách ly”.

Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay và chắc hẳn là tới cả mai sau – khi nhân loại vẫn luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Và đó cũng là lý do chính để chúng ta cùng tìm đọc những cuốn sách này, như một sự sẻ chia, đồng cảm, hoặc cao hơn, như một tiếng nói tiên tri về số phận con người./.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc