Chuyện ít biết về chàng Cân trong “Những ngày không quên”
Bộ phim “Những ngày không quên” với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 đã kết thúc. Phim làm vội nên không tránh khỏi nhiều sạn, cũng như những tiếng khen chê. Có một bình luận trên trang cá nhân của bộ phim thế này: “Xem phim chỉ thích đôi Cân-Đào, trong đó anh Cân đã “cân” lại cả một bộ phim khô khan, nặng về tuyên truyền”. Đó có thể coi là một lời động viên rất lớn cho sự trở lại của Việt Bắc – nam diễn viên đảm nhận vai Cân trong “Cô gái nhà người ta” và “Những ngày không quên” sau thời gian dài vắng bóng.
Việt Bắc và dàn diễn viên "Những ngày không quên". |
Ngoài đời, Việt Bắc trông sáng sủa, trắng trẻo hơn rất nhiều so với tạo hình ngô ngố, gây hài trên phim. Cứ mỗi lần nhắc đến quê hương Nghệ An, anh lại đổi sang chất giọng miền Trung, ánh mắt lấp lánh, đầy tự hào. Việt Bắc kể, anh sinh ra trong gia đình có cha là bộ đội, mẹ công tác trong ngành y, cha mẹ muốn anh sau này lớn lên trở thành bác sĩ, không thì cũng đi theo ngành của cha.
Tuy nhiên, cơ duyên đến với nghề diễn của Việt Bắc như đã được sắp đặt từ sẵn. Năm lớp 4, tiểu phẩm của cậu bé Việt Bắc giành giải đặc biệt ở trại hè. Từ đó, niềm vui được đứng trên sân khấu, mang lại tiếng cười cho mọi người đã nhen nhóm trong lòng Việt Bắc, khiến cậu mơ ước lớn lên trở thành diễn viên.
Việt Bắc cũng là người mau nước mắt. Trong buổi họp báo “Cô gái nhà người ta” – đánh dấu sự trở lại ánh đèn sân khấu sau hơn 2 năm đi “ở rể”, anh đã bật khóc. Vai Cân trong “Cô gái nhà người ta” cũng khiến anh tốn nhiều nước mắt nhất. “Có lẽ do tôi nhạy cảm quá. Tôi làm nghề rồi nghỉ 2 năm, quay lại rồi nghỉ tiếp 2 năm, rồi lại quay lại. Cái máu nghề đã ăn vào xương tuỷ. Không phải vì mình nhớ đến những cái hào nhoáng sân khấu, mà vì nhớ những lúc tập kịch cùng anh em. Tôi nghĩ nhiều lắm, nghĩ đến bạc hết tóc, nhớ sân khấu đến nỗi khóc tu tu như đứa trẻ con. Tất cả cũng chỉ vì câu chuyện cơm áo gạo tiền. Cũng muốn phiêu với nghề, nhưng còn tiền thuê nhà, tiện điện, tiền nước, tiền chi tiêu cho vợ con nên mới dứt ruột bỏ ngang.
Ngày cưới vợ, tôi và thầy chủ nhiệm ở trường Sân khấu-Điện ảnh Phan Trọng Thành ôm nhau khóc. Vì thầy biết mình sẽ bỏ nghề. Nhà vợ làm nghề kinh doanh, lại có 3 người con gái, nên muốn con rể cũng lại là con trai. Thế là tôi bỏ sân khấu đi học nghề làm kính, bán kính theo ông ngoại. Có lần livestream bán kính, đọc những tin nhắn của khán giả mà khóc luôn. Một khán giả bảo, “vẫn biết trong cuộc đời tiền là cần, nhưng những gì em mang đến cho mọi người còn nhiều hơn cả tiền”.
Việt Bắc bên đạo diễn Trịnh Lê Phong. |
“Sau một thời gian dài suy ngẫm, tôi nhận ra điều khiến mình sợ nhất trong cuộc đời là không được sống đúng là mình. Mà tôi làm nghề đang tốt và được mọi người ghi nhận cơ mà. Thế nên tôi quyết định quay lại. Tôi ra Hà Nội trước rồi tìm nhà cửa, đón vợ con ra sau. Hiện tại mình cũng vẫn đang đi thuê nhà. Hai vợ chồng mới mua được nhà bên Long Biên thôi”, Việt Bắc kể.
Gia đình nhỏ của Việt Bắc. |
Bà xã của Việt Bắc sinh năm 1995, có ngoại hình xinh xắn, dễ thương. Hai vợ chồng anh đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Để bà xã hiểu hơn về công việc của chồng, Việt Bắc đưa vợ đến trường quay, rồi dẫn vợ đi giao lưu, trò chuyện với các diễn viên trong đoàn. Việt Bắc kể, anh quen bà xã qua facebook. “Ngày xưa lúc đóng phim “Trò đời”, nhiều bạn nữ nhắn tin lắm.
Mình không bao giờ nghĩ sẽ yêu người con gái nào trên mạng. Tôi còn nói với ba, một là con yêu gái Nghệ An, hai là yêu gái Bắc. Ấy thế mà mọi thứ đến thật hữu duyên. Vợ tôi lúc đó đang ôn thi tốt nghiệp, bèn xem phim “Trò đời” để ổn bài, thích mình diễn nên nhắn tin bày tỏ chúc mừng, hâm mộ. Tôi cũng xã giao và nói lại: “những lời của em là động lực cho anh cố gắng hơn”. Tình cờ thế nào tôi sinh ngày 5/8, vợ sinh ngày 10/8, mấy hôm sau thấy facebook hiển thị tôi mới vào chúc mừng sinh nhật, rồi cứ thế lời qua tiếng lại”. Việt Bắc hóm hỉnh: “Vợ người miền Nam, nói chuyện ngọt ngào lắm, một ngày rót cho mấy lít mật vào tai, gặp nhau rồi yêu và đến với nhau”.
Việt Bắc trong vai Xuân "tóc đỏ". |
Việt Bắc hào hứng chia sẻ, thời gian tới anh sẽ kết hợp với mấy người em mở lớp dạy diễn xuất ở quê hương Nghệ An. Không nói trước được điều gì, nhưng anh không nghĩ đến chuyện bỏ nghề nữa. “Tính tôi vui vẻ, hoà đồng, vô tư, thoải mái, yêu quý ai là yêu hết mực, không suy nghĩ sâu xa. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ mãi câu nói của thầy Phan Trọng Thành - như “kim chỉ nam” của cuộc đời tôi: Hãy để nghệ thuật trong trái tim mình, chứ đừng bao giờ để trái tim mình trong nghệ thuật./.
0 nhận xét