Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Sáng 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được khai trương nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 70 năm Ngày thành lập Hội nhà báo Việt Nam, 156 năm Ngày xuất bản Tờ báo Tiếng Việt đầu tiên.
Đến dự có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;... cùng các nhà báo cao niên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Về phía Hội nhà báo Việt Nam có ông Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam...
Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Đây là sự kiện ý nghĩa diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; 95 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong 3 năm qua, ngay từ khi ra đời, Bảo tàng đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, khai thác một cách có hệ thống, khoa học các di sản báo chí để lại nhằm hoàn thành bước đầu không gian trưng bày, đáp ứng nguyện vọng bao lâu nay của nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như đông đảo các nhà báo và công chúng trên cả nước. Tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung trưng bày với những hiện vật, tư liệu đại diện cho nền báo chí hoà bình, nhân văn và tiến bộ, truyền tải sinh động, hấp dẫn, hiệu quả những thông điệp từ quá khứ, kêu gọi nhắc nhớ để những người làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà”.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh vai trò của báo chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Theo Phó Chủ tịch nước, các không gian trưng bày của Bảo tàng không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc và kiến quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hoá, những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực, hy sinh của các thế hệ nhà báo nước ta.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Các đại biểu cắt băng khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam (áo dài đỏ) giới thiệu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu, trong số đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.
Bảo tàng có 5 gian trưng bày gồm báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và cuối cùng là báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Câu chuyện về báo chí Việt Nam được bắt đầu bằng khu trưng bày giai đoạn 1865-1925. Trên viên kim cương báo chí, những tờ báo của Việt Nam được tôn vinh, sánh vai với những tờ báo có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất thế giới.
Không gian trưng bày với các hiện vật phong phú, khái quát được bố trí trên diện tích gần 1.500m², khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.
Bảo tàng đã sưu tầm được nhiều tài liệu quý, phiên bản gốc của nhiều tờ báo xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam, từ năm 1865 đến năm 1925.
Một góc trưng bày các hiện vật của những người làm báo cách mạng trong chiến tranh.
Các không gian trưng bày được bố trí khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau như: Trưng bày bằng giải pháp đồ hoạ trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hoá ... để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với Bảo tàng. Từ các hiện vật liên quan đến các loại hình báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử được sưu tầm, người xem có cơ hội hình dung rõ nét, đầy đủ hơn về lịch sử vinh quang của báo chí nước nhà.
Nổi bật trong không gian trưng bày Bảo tàng là sự xuất hiện của chiếc loa đại, minh chứng cho những trận “đấu loa” quyết liệt ở vĩ tuyến 17.
Trong giai đoạn này, tại bờ Bắc, hệ thống loa phóng thanh 25W-50W-250W phát liên tục các chương trình ca nhạc, thơ, kịch, dân ca... hấp dẫn. Khi Mỹ - Diệm gắn những cụm loa Tây Đức, Úc và dàn loa Mỹ công suất lớn đáp trả, bờ Bắc đã tăng cường một chiếc loa đại, công suất 500W, thuận gió để truyền xa 10km đến Cửa Việt, Gio An.
Hệ thống màn hình tra cứu số hoá trải dài tại không gian trưng bày; có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc…
0 nhận xét