Breaking News
Loading...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành và hành trình mang tò he “xuất ngoại“

Share on Google Plus

Nhắc tới hai tiếng Xuân La, người ta thường hay nghĩ đến làng nghề tò he truyền thống có một không hai ở Việt Nam. Người dân làng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn luôn tự hào rằng tất cả các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S đều có người làm tò he của xứ họ đặt chân đến. Tò he Xuân La - món đồ chơi truyền thống vốn từng có thời gian gần như bị lãng quên, nay đã và đang dần khôi phục lại vị thế của mình trong bản đồ văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

nghe nhan nguyen van thanh va hanh trinh mang to he "xuat ngoai" hinh 1
Với anh Thành, tò he không chỉ là một món đồ chơi quen thuộc trong kí ức tuổi thơ mà còn chính là duyên và nợ, là đam mê và nghề nghiệp.

Một trong những người có công tìm lại sự sống cho làng nghề tò he Xuân La chính là nghệ nhân Nguyễn Văn Thành. Từ đôi bàn tay khéo léo cùng với tấm lòng nhiệt huyết của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã từng bước hiện thực hóa ước mơ nâng tầm tò he bằng cách đưa tò he vào trong giáo án, thậm chí là mang tò he đi “xuất ngoại”. 

Hành trình tìm lại sự sống của tò he Xuân La

Cũng giống như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng Xuân La, món đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời của nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chính là những quân tò he. Từ khi mới 3 tuổi, cậu bé Thành đã có thể nặn ra được những chiếc bánh chim cò có hình thù đơn giản. Đến khi sinh viên, anh tận dụng mỗi buổi chiều hay các ngày cuối tuần mang đồ nghề ra công viên nặn tò he để bán cho mọi người. Sau khi học xong rồi trở về làng, chàng thanh niên ấy vẫn tiếp tục con đường gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống của quê hương mình.

nghe nhan nguyen van thanh va hanh trinh mang to he "xuat ngoai" hinh 2

Anh Thành hướng dẫn con trai của mình tạo hình những quân tò he đơn giản.

Anh Thành chia sẻ, làng nghề tò he Xuân La đã có những lúc đứng trên bờ vực của sự mai một bởi những biến thiên của thời cuộc. Vì đặc điểm là một món đồ chơi dân gian lại chỉ có thể tồn tại dưới hình thức là một thứ hàng rong nên theo quy định ở các khu vui chơi giải trí, nghệ nhân tò he không được phép tụ tập buôn bán một cách công khai. Vì đi đâu cũng bị xua đuổi nên nhiều nghệ nhân chán nản rồi bỏ nghề làm tò he mà đi kiếm một kế sinh nhai khác.

Ở thời điểm năm 2009, khi mà số người theo nghề làm tò he ở Xuân La chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay thì anh Thành chính là người đưa ra ý tưởng và thành lập Câu lạc bộ tò he Xuân La. Được sự đồng thuận và tín nhiệm của người dân trong thôn, anh Thành cùng những cộng sự của mình đã dẫn dắt và phát triển CLB này ngày một lớn mạnh về cả quy mô lẫn chất lượng. 

Từ lúc chỉ có 54 thành viên đến nay khi số lượng người tham gia đã là 149, CLB tò he Xuân La đã làm rất tốt mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề tò he truyền thống của mình. Anh Thành đã kiến nghị với chính quyền thành phố Hà Nội về việc tạo ra không gian mở để làng nghề có thể phát triển lâu dài. Sau đó, TP. Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã chấp thuận và dành riêng một gian hàng cho nghệ nhân tò he Xuân La trên phố đi bộ Hồ Gươm.

“Tôi làm mọi thứ chỉ mong mọi người có thể hiểu sâu hơn về giá trị đích thực của tò he. Tò he là một món hàng rong thật đấy nhưng nó không phải sản phẩm dùng để buôn bán kiếm lời bình thường, nó là thứ hàng rong nghệ thuật, chứa đựng nét đẹp văn hóa của cả một mảnh đất, một dân tộc.” – Anh Thành tha thiết.

Trong 10 năm hoạt động, CLB tò he Xuân La do anh Thành làm thủ lĩnh đã tổ chức 4 hội thi nặn tò he mang tầm cỡ thành phố, thu hút được đông đảo mọi người tham gia, đặc biệt là giới trẻ. CLB đã truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết cho nhiều người, có những nghệ nhân từng bỏ nghề nay sđã quyết tâm quay trở lại bám trụ với nghề và có thu nhập ổn định. Hiện nay, có khoảng trên 90% những người sống bằng nghề tò he trên khắp đất nước chính là hội viên của CLB tò he Xuân La.

Đưa tò he vào trường học 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành chính là người thầy đầu tiên giảng dạy bộ môn tò he ở các trường mầm non, đại học trên địa bàn Hà Nội. Ban đầu, thầy đứng trên bục giảng của các lớp học thuộc CLB bồi dưỡng văn hóa Trí Đức của cô Nguyệt Anh. Đây chính là nơi lưu giữ lại những kí ức đầu tiên trong hành trình dạy học của người thầy không dùng phấn, viết bảng mang tên Nguyễn Văn Thành.

nghe nhan nguyen van thanh va hanh trinh mang to he "xuat ngoai" hinh 3

: Theo anh Thành, học sinh mầm non là đối tượng hào hứng nhất với lớp học tò he.(Ảnh: NVCC)

Hiện tại, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đang là giáo viên dạy bộ môn tò he của Công ty TNHH phát triển giáo dục và nghệ thuật STS Việt Nam. Hàng ngày, anh Thành vẫn cần mẫn chuẩn bị đồ nghề để đến các lớp học “truyền lửa” cho các thế hệ học trò thuộc khoa giáo dục mầm non trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, khoa quốc tế của Đại học Ngoại Ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường mầm non Sơn Ca,…

“Không chỉ có sinh viên mà tất cả các lứa tuổi đều hào hứng với tò he vì nó vừa là một món đồ chơi, vừa là một trong những biểu tượng của văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nếu khéo léo cập nhật những hình ảnh mới nhất từ các bộ phim hoạt hình để tạo hình tò he thì sẽ kích thích được sự quan tâm của giới trẻ.” – Anh Thành nói.

“Vì có niềm đam mê với các món đồ chơi truyền thống nên chỉ sau 4-5 buổi học thầy Thành, tôi đã có thể tạo ra những sản phẩm tò he của riêng mình. Hiện tại, tôi đã có thể đứng lớp để dạy các em học sinh mầm non làm tò he và thầy Thành chính là người truyền cảm hứng rất lớn để tôi thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống.” – Anh Tuân, một học trò và hiện tại là đồng nghiệp của anh Thành ở STS chia sẻ. 

Mang tò he đi “xuất ngoại”

Mang tò he đi “xuất ngoại” vốn là một ước mơ mà nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành đã ấp ủ từ lâu nhưng bị kìm lại do gặp phải nhiều hạn chế. Hiện tại, khi nguồn kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh từ tò he đã trở nên vững chãi hơn, tham vọng ấy càng trở nên mãnh liệt trong suy nghĩ của nghệ nhân tò he trẻ nhất làng Xuân La.

nghe nhan nguyen van thanh va hanh trinh mang to he "xuat ngoai" hinh 4

: Sản phẩm tò he “kĩ hóa” phù hợp với nhu cầu xuất khẩu. (Ảnh: NVCC)

Năm 2012 khi đại diện Việt Nam tham gia sự kiện giao lưu văn hóa các nước Asean ở Thái Lan, anh Thành biết được rằng Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tò he. Tuy nhiên tò he Thái Lan nặn bằng đất, tò he Nhật Bản nặn bằng kẹo còn tò he của Trung Quốc lại được làm từ bột gạo pha tạp. Có nhiều người cho rằng tò he Xuân La bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng hoàn toàn không phải. 

“Nguyên liệu tò he được làm chủ yếu bằng bột nếp, màu sắc lại được tạo ra từ lá trầu, dầu gấc, củ nghệ khiến ai chạm vào cũng có cảm giác như đang trở về với cội nguồn. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ khẳng định rằng tò he Việt Nam không bắt nguồn từ Trung Quốc. Hơn thế, nguồn gốc của tò he là bánh chim cò nặn xong để trên các vòng tre rồi hấp chín, hình ảnh này tôi chắc rằng cả thế giới không ở đâu có cả.”

nghe nhan nguyen van thanh va hanh trinh mang to he "xuat ngoai" hinh 5

Mỗi năm, gia đình anh Thành tổ chức đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trải nghiệm, trong đó có có các đoàn khách nước ngoài về làng nặn tò he.(Ảnh: NVCC)

Sau khi trở về từ Thái Lan, anh Thành nuôi hi vọng tạo ra thị trường xuất khẩu cho tò he Xuân La. Tuy nhiên, mãi đến vài năm gần đây khi anh và hội nghệ nhân Xuân La tìm ra nguồn nguyên liệu có thể bảo quản tò he trong thời hạn vài năm thì khát vọng đó mới thực sự thành hình. Theo anh Thành, thứ nguyên liệu được làm từ tự nhiên mới được tìm ra này chính là bí quyết sống còn giúp tò he Xuân La có thể cạnh tranh với các thương hiệu tò he trên thế giới. 

Để nâng tầm thương hiệu tò he Xuân La, anh Thành và hội nghệ nhân làng nghề đã chủ trương “kĩ hóa” món đồ chơi dung dị để đem chúng ra sân chơi quốc tế bằng các sản phẩm mới lạ như: tò he trên tranh, tò he trong hộp gỗ, tò he trong cốc thủy tinh, tò he khổng lồ… Đồng thời, phát triển du lịch trải nghiệm gắn với mô hình làng nghề truyền thống chính là một phương thức quảng bá hiệu quả cho thương hiệu tò he Xuân La được nhiều bạn bè quốc tế biết đến./.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc