Người Chăm có nhiều đổi mới trong việc cưới, việc tang
Trước đây, nghi lễ trong việc cưới, việc tang và các nghi lễ vòng đời của người Chăm tổ chức rườm rà, ăn uống tốn kém, lãng phí. Từ khi Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (16/7/1998) đi vào cuộc sống, nhất là khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "xây dựng gia đình văn hóa", nhiều phong tục đã được tổ chức giản tiện hơn, ít tốn kém hơn.
Lễ tảo mộ của người Chăm Bà Ni. |
Để thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "xây dựng gia đình văn hóa", đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Thuận đã đưa nhiều quy định vào hương ước, quy ước của làng. Chính nhờ vậy, nhiều phong tục không còn rườm rà về thủ tục nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Chẳng hạn, cưới hỏi giảm từ 4 thủ tục xuống còn 2 thủ tục; tang lễ của người Chăm theo đạo Bà La Môn tổ chức từ 8 đến 10 ngày, nay chỉ kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
Ông Huỳnh Thành, một người dân ở thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, tang ma của người Chăm theo đạo Bà Ni, trước đây chỉ có giới chức sắc, những người giàu có, có đẳng cấp mới được tổ chức đám tang theo đúng phong tục của đạo giáo Bà Ni, còn bây giờ khác rồi, khi có người quá cố đều tổ chức như nhau không phân biệt đẳng cấp.
Nghi thức xoay đầu trong đám tang của người Chăm Bà La Môn. |
"Vấn đề ăn uống tại đám tang của người Chăm Bà Ni, nhất là lễ Dhi, bà con tập trung nhiều về ăn uống, tốn kém cho gia chủ. Bây giờ phân thành nhiều tổ: tổ nấu ăn, tổ giết thịt, tổ phục vụ. Giới chức sắc cũng chia thành nhiều toán, toán 1 ăn thì toán 2 khỏi ăn. Ngay trong việc cưới thì Sư cả cũng cho giảm đi nhiều lễ nghi để đỡ tốn kém và rườm rà cho gia chủ" - Ông Huỳnh Thành cho biết.
Trong hương ước tại các làng Chăm có ghi rõ: Bà con đi đưa tang giúp đỡ nhau nhưng phải về lại nhà mình ăn cơm để đỡ tốn kém cho gia chủ. Còn giới chức sắc thì giảm bớt lễ lộc, từ đó giúp gia chủ tiết kiệm hơn.
Khu hành lễ mai táng. |
Sư cả Bá Xanh ở thôn Bình Hòa, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho hay: "Về phía đạo giáo cũng tuyên truyền cho bà con tiết kiệm trong việc tang ma. Ví dụ trong lễ Dhi có trâu rồi mình không mua nhiều loại cá lớn nữa, chỉ mua đủ để làm theo tục lệ. Còn bia rượu cũng không nên cho uống nhiều, bê bết quá thì xảy ra xích mích, mất tình đoàn kết".
Để có sự thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Chăm trong thực hiện nếp sống văn minh phải kể đến vai trò quan trọng của Hội đồng Chức sắc Bà La Môn giáo. Sư cả Thường Xuân Hữu - Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Bà La Môn giáo tỉnh Bình Thuận cho biết, được thành lập từ năm 2012 đến nay, Hội đồng đã thống nhất đưa ra những quy ước chung về hướng dẫn nghi lễ trong các lễ hội, nghi thức phong phẩm, nhất là giảm bớt những lễ nghi không cần thiết trong các đám cưới, đám tang của bà con dân tộc Chăm.
"Việc tổ chức tang ma trước kia thường 8 – 10 ngày, nay rút ngắn lại còn từ 3-4 ngày. Hai nữa là việc cưới hỏi theo tập quán của người Chăm trước đây phải làm đủ các lễ nghi như ra mắt, dạm ngõ, hỏi, cưới, còn bây giờ hai gia đình gặp mặt rồi định luôn ngày cưới, hỏi làm chung. Nó giản tiện hơn rất nhiều, góp phần tiết kiệm" - Sư cả Thường Xuân Hữu bày tỏ.
Phần lớn việc cưới của người Chăm đều gắn với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện quy ước về nếp sống văn minh ở khu dân cư. Tình hình tổ chức việc tang có nhiều tiến bộ và tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, theo bà Thanh Thị Minh Hiền – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới của đồng bào Chăm vẫn luôn được xem là cuộc vận động thường xuyên nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức.
Thiếu nữ Chăm trong ngày tảo mộ. |
Bà Thanh Thị Minh Hiền cho biết, "Để tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, thời gian tới đề nghị tiếp tục đầu tư giáo dục mở mang dân trí".
Việc thay đổi nhận thức về phong tục cưới hỏi, ma chay để tránh gây lãng phí trong đồng bào Chăm Bình Thuận bước đầu đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số nơi, hủ tục này vẫn còn nặng. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời nâng cao dân trí trong đồng bào, có như vậy mới có thể đưa nếp sống văn minh lan tỏa đến cộng đồng dân tộc người Chăm ở Bình Thuận./.
0 nhận xét