Breaking News
Loading...

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: “Nên tôn trọng mọi quan điểm, ý kiến về áo dài“

Share on Google Plus

PV: Xin chào nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Anh đã rất nhiều lần mang áo dài Việt Nam đi trình diễn ở quốc tế để quảng bá áo dài. Qua quan sát của anh thì bạn bè quốc tế nhìn nhận như thế nào về áo dài VN?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Là một nhà thiết kế thời trang với hơn 30 năm làm nghề, đã phục vụ rất nhiều khách hàng, doanh nhân, những người nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, tôi đã có cơ hội được mời tới rất nhiều tuần lễ thời trang quốc tế.

Trong quá trình giao lưu học hỏi về nghề đó tôi phát hiện ra là: người nước ngoài rất đề cao giá trị của văn hóa truyền thống. Những sản phẩm thời trang “hot” bao giờ cũng có câu chuyện để kể, mà câu chuyện đó thường là về văn hóa. Văn hóa nước ngoài họ cũng thường giữ gìn truyền thống. Ví dụ như trong kiến trúc, họ làm những thứ mới nhưng cái cũ họ không bao giờ đập đi mà để lại rất lâu, cho tồn tại song song.

ntk do trinh hoai nam: "nen ton trong moi quan diem, y kien ve ao dai" hinh 1
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam (trái).

Thời trang cũng vậy, họ hướng tới truyền thống. Chính vì vậy, khi đến những tuần lễ thời trang hay liên hoan phim nổi tiếng, thay vì mang những bộ đầm lộng lẫy thì tôi hay mang áo dài đến đó, đồng thời chia sẻ với bạn bè quốc tế về văn hóa truyền thống áo dài. Trong những chiếc áo dài mang theo tôi đưa vào đó câu chuyện về văn hóa làng nghề, ví dụ nghề thêu từ làng Mỹ Đức (Hà Tây), thêu ở Thường Tín hay nghề kim hoàn ở Hàng Bạc, Định Công… rồi thì những loại vải truyền thống như lụa Hà Đông. Chính điều đó lại tạo được sức hút. Có nhiều nhà thiết kế, những hãng sản xuất, hoặc những người môi giới thời trang tìm đến tôi để tìm hiểu và đặt những sản phẩm như vậy.

Có một câu chuyện là: áo dài Việt Nam, thậm chí những thương hiệu áo dài VN được rất nhiều người nước ngoài biết đến! Bằng chứng là khi tôi mang những bộ sưu tập của tôi đến những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Mỹ, Ý, Đức, Pháp, Hàn Quốc… họ vẫn gọi tên được đấy là “áo dài Việt Nam” bằng giọng lơ lớ, đấy là điều rất tự hào về áo dài Việt Nam.

PV: Hiện nay đang có rất nhiều quan điểm quanh chuyện chúng ta nên ứng xử như thế nào với áo dài. Có ý kiến cho rằng, đã bảo tồn thì phải nguyên gốc, phải mặc đúng như những gì các cụ mặc thời xưa. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể cách tân, thay đổi một vài chi tiết của áo dài để phù hợp với đời sống đương đại ngày nay. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Thực ra có nhiều quan điểm khác nhau và tôi nghĩ quan điểm nào cũng đúng thôi! Có những người thợ ở các làng nghề, bao lâu nay họ đã làm quen với những mẫu áo dài như vậy rồi, họ yêu nó thì họ bảo vệ, điều đó đúng thôi.

Có những người theo xu hướng cách tân, có quan điểm là áo dài thì phải theo xu hướng vì áo dài cũng là một sản phẩm thời trang. Nên là, áo dài phát triển theo xu hướng thời hội nhập, theo không gian thời gian hiện đại thì đấy là nhu cầu của cuộc sống. Có những người mặc để bảo tồn văn hóa truyền thống, có những người mặc để quảng bá ra quốc tế, lại có những người trong showbiz mặc để dự các sự kiện… đấy là quyền của mỗi người. Tôi nghĩ điều đó không có gì sai cả!

Theo quan điểm của tôi, nói gì thì nói, văn hóa truyền thống và áo dài cần có thêm một sứ mệnh nữa là phải đóng góp được cho văn hóa - du lịch, giúp được cho nền kinh tế, cho thương hiệu VN… Và tôi nghĩ rằng, mỗi người tạo ra xu hướng sản phẩm họ đều có những nét riêng. Miễn sao họ tạo ra được giá trị cho xã hội, không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật thì đấy đều là điều đáng quí.

ntk do trinh hoai nam: "nen ton trong moi quan diem, y kien ve ao dai" hinh 2

PV: Nghĩa là theo anh, xã hội ngày nay có thể chấp nhận tất cả những quan điểm khác nhau về áo dài: những người làm công tác bảo tồn cứ nghiên cứu, tìm tòi, phục dựng giá trị xưa; còn ai theo xu thế cách tân thì cứ làm công việc của họ. Phải không ạ?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Tôi nghĩ thời trang chính là dòng chảy cuộc sống, hãy để tự nó phát triển. Bởi vì trong bất cứ một công đoạn nào, từ sản phẩm, sản xuất, thiết kế… có cạnh tranh thì mới có phát triển. Vậy hãy cứ để nó phát triển tự nhiên đi.

Giống như trong lĩnh vực làm sách chẳng hạn! Bây giờ có rất nhiều sách mới, nhưng khi sách mới đã bão hòa thì người ta lại tìm đến những cuốn sách cổ cũng rất có giá trị. Tôi nghĩ cả 2 dòng đó là điều đương nhiên của cuộc sống! Hãy để cho nó cạnh tranh nhau một cách công bằng! Đấy là điều nên làm để áo dài Việt Nam phát triển!

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc chia sẻ vừa rồi.

You Might Also Like

0 nhận xét

Day noi mi | Hoc noi mi | Noi mi dep | Trung tam day nghe toc | Hoc cat toc | Hoc cat toc o Ha Noi | Hoc cat toc tai Ha Noi | Thuoc chua benh a sung | Dau goi Kafen | Dau xa Kafen | Giao trinh day cat toc