Tuồng cổ về nguồn
Lâu lắm rồi, những người yêu tuồng, cải lương Huế mới có dịp thưởng thức tuồng cổ - hát bội và cải lương mà đêm nào các vở diễn cũng kết thúc vào rạng sáng hôm sau.
Đặc biệt, rất nhiều khán giả đã tìm đến sân Thanh Bình từ đường khi biết có sự xuất hiện của NSƯT Tô Châu, NSƯT Trường Sơn, nghệ sĩ Trinh Trinh, nghệ sĩ Khánh Tâm… Đáng chú ý là sự góp mặt của những nghệ sĩ gạo cội về hát bội - tuồng cổ như: NSƯT Ngọc Khanh, nghệ nhân Hữu Lập, nghệ sĩ Công Minh…
Thanh Bình Từ đường là nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là Thánh sư, Tiên sư, Tổ sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế và khu vực miền Trung. Với những người nghệ sĩ hát bội - tuồng cổ thì nơi đây được xem là nhà thờ tổ nghiệp.
Bất chấp cái nóng mùa hè oi bức, các nghệ sĩ vẫn chăm chú hóa trang, chuẩn bị y phục, đạo cụ cho buổi diễn.
Những hình ảnh đầy xúc động khi những nghệ nhân tự mình trang điểm cho khuôn mặt với những mỹ phẩm rẻ tiền mới thấy được tình yêu nghề của họ lớn đến mức nào.
Phần lớn các diễn viên trong đoàn đều có những công việc riêng để kiếm sống. Họ đến với nhau cùng ca các bản tuồng cổ bằng niềm đam mê cháy bỏng và yêu nghề, yêu ánh đèn sân khấu như một cái nghiệp của riêng mình.
Đoàn tuồng cổ đã để lại nhiều tâm trạng cho những người dân xứ Huế.
Những người già lại được dịp xem hát Bội – bộ môn nghệ thuật mà họ yêu thích từ khi còn nhỏ.
Đám con nít lại được dịp ồ lên thích thú khi những nhân vật khoác trên mình nhiều bộ trang phục lấp lánh, đủ màu sắc.
“Lần đầu tiên trong đời mụ tới gần một "gánh hát", mà gánh hát này sao thấy thương chi lạ! Chút phông màn hào nhoáng để làm sân khấu diễn, còn tất cả đều dưới gốc cây bồ đề to trước miếu thờ, giữa đất, giữa thanh thiên. Gánh hát không bán vé, tiền thưởng chắc không được bao nhiêu, thì chừng ấy con người sinh sống làm sao?" - tâm sự như bao lời muốn nói của người dân xứ Huế./.
0 nhận xét