Doanh nghiệp hưởng “lợi ích kép” khi áp dụng mô hình năng suất xanh
Năng suất xanh (Green Productivity) là khái niệm do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đưa ra từ năm 1994. Đây là chiến lược nhằm nâng cao năng suất và hoạt động môi trường để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống. Thay vì chỉ tập trung vào tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Việc áp dụng năng suất xanh đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi loại bỏ lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất và vận hành, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, xây dựng doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, áp dụng năng suất xanh còn giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng xanh; mở rộng thị trường trong và ngoài nước;…
Lấy ví dụ về các doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình năng suất xanh, ông Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, trang trại M’s Pig Farm (Campuchia) có 4.000 con heo sử dụng trung bình từ 6.000-7.000 tấn thức ăn hằng tháng, mỗi ngày thải ra 4.000-5.000m3 chất thải, lượng chất thải tạo ra gây mùi khó chịu ảnh hưởng tới môi trường, người dân. Trang trại sử dụng giải pháp dùng bể biogas công suất lớn để xử lý chất thải và phát điện. Nhờ đó, trang trại đạt mục tiêu Green Goal (mục tiêu xanh) trong thu hồi và tái chế chất thải để tạo ra điện, giảm phát thải khí nhà kính và tăng lợi nhuận từ 1-2%, tiết kiệm 200.000kWh điện trong làm mát và thông gió trang trại.
Tại Iran, Công ty nước và nước thải quốc gia NWWEC vận hành 34 đơn vị về xử lý nước và nước thải, tiến hành mua nước và nước thải sau khi xử lý. Nhiệm vụ là sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân và thu hồi nước thải đô thị, nông thôn. Nhờ vậy, công ty đã ký 40 hợp đồng giá trị khoảng 1,7 tỷ EURO để mua lại nước thải từ năm 2011, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ nguồn nước và đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Hay tại Việt Nam, Heineken Việt Nam là nhà sản xuất đồ uống lớn, nhờ áp dụng mô hình năng suất xanh, tái cấu trúc nhà máy, tái sử dụng và tái chế các nguyên liệu, tăng vòng đời vật liệu giảm chi phí, Heineken Việt Nam tối ưu hóa lượng chất thải, 99,01% chất thải được tái chế và không có chất thải phải chôn lấp. Nước thải được xử lý và thu hồi sử dụng cho nhiều mục đích, khí gas từ công trình xử lý nước được sử dụng và cấp nhiệt cho quá trình sản xuất, đồng thời sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Theo ông Lâm, ngay từ những năm 1988, Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay là Viện Năng suất Việt Nam) thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bắt đầu thực hiện Chương trình điểm về năng suất xanh thông qua các dự án do APO tài trợ. Nổi bật nhất là việc triển khai mô hình về năng suất xanh tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ) giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên...
Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã và đang tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất xanh như: Tăng cường hội nghị, hội thảo, truyền thông giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn; Cung cấp các khóa đào tạo để doanh nghiệp có thêm kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;… Đồng thời, năng suất xanh cũng là một trong những nội dung rất quan trọng trong Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
0 nhận xét