Petrovietnam và EVN ký kết biên bản ghi nhớ cung cấp LNG cho dự án điện Quảng Trạch II
PPA Nhơn Trạch 3&4 – mở đường phát triển cho điện khí LNG
Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power), đơn vị thành viên của Petrovietnam, là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.624 MW. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng turbine khí hiện đại, có công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Trong quá trình đầu tư một dự án nhà máy điện, thì hợp đồng mua bán điện (PPA) là một trong những hợp đồng quan trọng nhất, cùng với các cam kết mua điện dài hạn (Qc) và xác định khung giá điện, đây là những yếu tố quan trọng để các dự án có thể triển khai thuận lợi, hiệu quả và tiến tới vận hành thương mại.
Do là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG đầu tiên tại Việt Nam nên quá trình đàm phán PPA đối với dự án Nhơn Trạch 3&4 đã diễn ra rất khó khăn bởi chưa hề có tiền lệ. Việc ký kết hợp đồng PPA ban đầu sẽ giúp PV Power có thể sớm ký hợp đồng mua bán khí (GSA) gắn với khối lượng LNG mua hàng năm, thời hạn xác nhận, kế hoạch giao nhận khí ổn định với giá khí hợp lý nhất. Ngoài ra, hợp đồng PPA của dự án còn là điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng quốc tế xem xét cho PV Power vay vốn triển khai dự án.
Sau một quá trình dài triển khai đàm phán PPA từ năm 2019 với nhiều ý kiến trao đổi, với sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các Bộ, Ban, Ngành và Petrovietnam, sự phối hợp chặt chẽ của EVN, quá trình đàm phán PPA giữa PV Power và Công ty mua bán điện (EVNEPTC), đơn vị được EVN ủy quyền, đã diễn ra trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích Quốc gia.
Việc ký kết hợp đồng PPA cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 không chỉ đánh dấu cột mốc và điều kiện quan trọng để Dự án đi vào hoạt động thương mại mà còn "mở đường", định hướng cho việc đàm phán PPA các dự án điện sử dụng khí LNG khác trong Quy hoạch điện VIII.
Thúc đẩy phát triển các dự án điện khí
Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí (tự nhiên và LNG) đến năm 2030 sẽ đạt hơn 37 nghìn MW, tương ứng gần 1/4 tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới cũng định hướng phát triển công nghiệp khí giữ vai trò nền tảng, đồng thời ưu tiên phát triển nhiệt điện khí, các dự án điện LNG cũng như hướng tới xây dựng các trung tâm năng lượng tích hợp khí – LNG – điện cùng các dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo khác.
Để đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển ngành Dầu khí theo tinh thần của Kết luận số 76-KL/TW, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam và EVN cũng ký kết biên bản ghi nhớ về việc cấp khí LNG từ kho LNG Vũng Áng cho Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) LNG Quảng Trạch II.
Dự án NMNĐ LNG Quảng Trạch II do EVN làm chủ đầu tư nằm trong Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG và nâng công suất từ 1.200MW lên 1.500MW.
Biên bản ghi nhớ giữa Petrovietnam và EVN được ký kết nhằm phát huy tối đa khả năng và tận dụng thế mạnh của hai Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên của Petrovietnam và EVN để hợp tác cấp khí LNG tái hóa ổn định và lâu dài từ dự án kho LNG Vũng Áng cho dự án NMNĐ LNG Quảng Trạch II phù hợp với tiến độ và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Có thể khẳng định, việc ký kết PPA Nhơn Trạch 3&4 và MOU cung cấp khí LNG chính là những bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa tinh thần của Kết luận số 76-KL/TW, Quy hoạch Điện VIII cũng như tạo động lực để các dự án điện khí trong tương lại có cơ sở, căn cứ thực hiện, hướng tới việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời kỳ mới và các mục tiêu chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ.
0 nhận xét