Cồng chiêng trong đời sống tâm linh của người Thổ
Dân tộc Thổ ở Việt Nam, (Người Thổ có các tên gọi khác như Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Pọng, Con Kha, Xá Lá Vàng…), hiện nay sống tập trung chủ yếu tại các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ và thị xã Thái Hoà (Nghệ An); Như Xuân, Thường Xuân (Thanh Hoá) và một số nơi khác. Nhiều thôn làng ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc như: trang phục truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ.
Biểu diễn công chiêng dân tộc Thổ (Nghệ An). (Ảnh Que huong) |
Trong đó cồng chiêng luôn giữ một vị trí quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ. Xưa kia, bà con dân tộc Thổ ở các thôn làng của Nghệ An, Thanh Hóa thường lập làng giữa chốn núi rừng rậm rạp (với mỗi làng chỉ có khoảng 10 hộ), khi có thú dữ về phá phách họ thường đem cồng chiêng ra đánh. Nghe tiếng cồng chiêng thú dữ khiếp sợ chạy một mạch về rừng sâu. Từ đó, âm thanh cồng, tiếng chiêng vang lên như là một thứ vũ khí để chống lại thú dữ và xua đuổi tà ma. Lâu dần, bà con thường mang cồng, chiêng ra đánh rồi hát cho nhau nghe những điệu ví, câu hò, những làn điệu dân ca Thổ… dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc sau những ngày làm việc mệt nhọc trên nương rẫy.
Bộ cồng chiêng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Thổ. Cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng, là nơi gửi gắm những tâm tư tình cảm, gắn bó mật thiết trong cuộc sống tâm linh của đồng bào Thổ.
Ngày nay, cứ vào các dịp lễ tết, lễ mừng lúa mới hay lễ xuống đồng, bà con dân tộc Thổ lại mở hội cồng chiêng. Thường vào các ngày đầu năm của tết âm lịch bà con lại chọn làm ngày đẹp để tổ chức hội cồng chiêng với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui…
Không khí lễ hội trở nên rộn ràng tươi vui khi tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi. Chị Trương Thị Ly ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Âm nhạc của dân tộc Thổ rất rộn ràng. Bản thân tôi khi nghe tiếng cồng chiêng tại các lễ hội là muốn hòa mình vào những âm thanh này."
Dàn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thổ có 4 chiếc được treo thứ tự từ trái sang phải trên một giá đỡ. Lần lượt từ trái sang phải và chiếc cuối cùng to nhất gọi là cồng mẹ. Theo nghệ nhân Lê Thị Dung ở làng Thắng Sơn, xã Yên Lễ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cồng chiêng dân tộc Thổ thường thường do người phụ nữ đánh: "Trai gái đi chơi ở lễ hội, theo phong tục của dân tộc Thổ thì nữ đánh chiêng, còn nam giới đánh trống. Ngày vui hay những lễ hội đều đánh đánh cồng chiêng, qua đó, lưu truyền cho con cháu truyền thống văn hóa của dân tộc mình."
Chị Trương Thị Lưu, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là một người nhớ nhiều bài hát giao duyên và đánh cồng chiêng hay nhất ở làng Cáo. Ngay từ khi mới lên ba, lên bốn tuổi chị đã được bố mẹ bồng đi xem hội cồng chiêng của làng, đến 5-6 tuổi bắt đầu học đánh. Và đến năm 14 tuổi chị đã đánh thành thạo các bài chiêng của dân tộc. Theo chị Lưu chơi cồng chiêng Thổ không khó lắm, nhưng không phải ai cũng chơi được bởi nó có nhiều nhạc điệu khác nhau:
"Đánh chầm chậm gọi là cồng tư. Cồng tư đánh chậm là khi người múa nhịp điệu lăng vông, nhẹ nhàng về nhịp điệu. Sau đó chuyển đến cồng xẩm. Cồng xẩm đánh nhanh, nhịp nhàng như điệu nhạc rốc như nhảy bốc. Sau là đến điệu cồng ba, điệu này cũng bốc lắm, gọi gần bằng hiphop rồi. Cồng chiêng dùng làm nhạc cho cả ngày cưới, ngày giỗ tổ hoặc những ngày mừng lão. Những ngày này, gia đình nào tổ chức cũng đều rất vui, đông người đến chơi và tiếng cồng chiêng này vọng xa lắm. Mọi người có thể chơi thâu đêm."
Mỗi bản nhạc cồng chiêng được cho một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Thổ. Cồng chiêng còn là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, những lời tâm sự của các đôi trai gái tìm duyên để hát đối đáp với nhau. Qua những cuộc hát đó biết bao đôi trai gái người dân tộc đã nên duyên vợ chồng.
Trải qua bao thăng trầm chống chọi với bao thiên tai thú dữ, đến nay đồng bào Thổ vẫn bảo tồn được tiếng cồng chiêng trong đời sống văn hóa tâm linh; góp phần đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
0 nhận xét