Khai mạc Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân
Tối 16/7, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND)” lần IV năm 2020.
Đến dự chương trình có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đông đảo văn nghệ sĩ, diễn viên trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định: Nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với công tác xây dựng lực lượng CAND, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động sáng tác, liên hoan, hội diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài CAND. Các hoạt động đã vận động, khuyến khích đông đảo tác giả ở trong và ngoài lực lượng CAND tham gia, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật, phản ánh sâu sắc thực tế công tác, chiến đấu, cuộc sống bình dị thường ngày của người chiến sĩ CAND.
Tham gia Liên hoan có 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch. Trong đó, có những vở diễn khai thác những đề tài khó như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các thành viên Ban giám khảo Liên hoan.
Những tiết mục văn nghệ chào mừng Liên hoan.
Theo nhận xét của ban tổ chức, số lượng tác phẩm của các loại hình nghệ thuật tham dự liên hoan đa dạng, trong đó có chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Liên hoan không chỉ thu hút các đơn vị sân khấu công lập mà còn có nhiều đơn vị ngoài công lập.
Theo nhận xét của giới chuyên môn, không còn những vở diễn hô hào chiến tích, ca ngợi chung chung, các vở diễn đến với liên hoan rất đa dạng và có chất lượng.
Ngay sau lễ khai mạc là vở diễn "Vẫn sống" của Nhà hát Công an nhân dân.
Đây là tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ CAND trên mặt trận phòng, chống ma túy, do NSND Lê Hùng đạo diễn; Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND chỉ đạo nghệ thuật. 32 vở diễn còn lại tham gia Liên hoan được công diễn 2 vở/ngày.
Vở kịch “Vẫn sống” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Ðại tá Phạm Văn Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, một tác giả giàu kinh nghiệm, vốn sống về lực lượng Công an qua nhiều thời kỳ, nhằm ca ngợi những cống hiến, hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Câu chuyện kể về Trung tá Nguyễn Văn Quang (diễn viên Việt Tùng thủ vai), Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ngọc (diễn viên Quỳnh Trang thủ vai) - vợ anh có người em trai mới đi du học trở về, làm việc cho một công ty lớn ở trong nước.
Thực chất, công ty là vỏ bọc của tập đoàn buôn bán ma túy. Bọn tội phạm muốn lợi dụng người em vợ để lôi kéo Trung tá Nguyễn Văn Quang vào các hoạt động phi pháp.
Ðúng thời điểm này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai chuyên án lớn, nhằm “cất vó” tập đoàn ma túy. Trung tá Nguyễn Văn Quang là một trong những thành viên “chủ chốt” của ban chuyên án.
Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên bị thất bại, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương. Nghi ngờ có nội gián, ban chuyên án rà lại từng đầu mối, phát hiện cuộc điện thoại đáng ngờ từ gia đình Trung tá Nguyễn Văn Quang.
Ðể tránh mất đoàn kết, anh chủ động xin ra khỏi ban chuyên án. Nhiều mối nghi ngờ được làm rõ. Thì ra nhất cử nhất động của anh đều bị người em vợ theo dõi, ăn cắp thông tin. Trong một lần anh trao đổi công việc qua điện thoại trong nhà, y đã nghe trộm rồi báo cho các đối tượng trong đường dây.
Công việc bế tắc, cuộc sống gia đình ngột ngạt, Trung tá Nguyễn Văn Quang cô đơn giữa chính ngôi nhà của mình. Ngọc, người vợ trẻ của anh bị em trai và các đối tượng buôn bán ma túy lôi kéo, tác động.
“Vẫn sống” đã huy động tối đa nguồn nhân lực của Nhà hát CAND, gồm gần 40 nghệ sĩ. NSND Thúy Hiền đánh giá vở kịch ít lời nhưng phương pháp thể hiện của diễn viên, đi sâu vào cảm xúc và diễn biến tâm lý nhân vật, nên thực sự là cuốn hút người xem từ đầu đến cuối chương trình.
0 nhận xét