Liên hoan Giai điệu Sơn ca: Ươm mầm những nghệ sĩ tương lai
Giữ lời hứa với các em thiếu nhi
Chỉ còn 3 ngày nữa Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020 sẽ diễn ra tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đây là lần thứ 5 Liên hoan Giai điệu sơn ca được Đài TNVN tổ chức. Trước đây, Liên hoan Giai điệu Sơn ca được tổ chức 2 năm 1 lần, nhưng sau thành công của kỳ Liên hoan năm 2019, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đã quyết định tổ chức thường niên sự kiện này. Và đây là một quyết định đúng đắn. Minh chứng là năm nay có tới 23 đơn vị tham gia Liên hoan, gồm các nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi, các đài PT-TH, các trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi của cả nước - đông đảo nhất so với 4 kỳ liên hoan trước. Đây là một tín hiệu rất mừng, thể hiện sức hút mạnh mẽ của Liên hoan đối với các em thiếu nhi.
Nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, Trưởng phòng Ca nhạc thiếu nhi, VOV3 - đơn vị được lãnh đạo Đài TNVN giao nhiệm vụ tổ chức Liên hoan - cho biết: “Đây là sân chơi nghệ thuật dành cho các em thiếu nhi từ 7 - 15 tuổi. Chúng tôi chọn chủ đề “Giai điệu tuổi thần tiên” cho Liên hoan năm nay để các đơn vị có thể tự do sáng tạo trong việc dàn dựng tiết mục. Và với chủ đề rộng như vậy, các đoàn có nhiều lựa chọn tiết mục phù hợp với cách thể hiện của các em”.
Đội Văn nghệ Măng non của Đài PT-TH tỉnh Bình Dương đi quay ngoại cảnh. Ảnh: NVCC |
Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau dịch, các em lại vướng lịch học và thi nên việc luyện tập gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy vậy, Ban Tổ chức và các đơn vị đã rất quyết tâm để Liên hoan Giai điệu Sơn ca năm nay được diễn ra, giữ lời hẹn với thiếu nhi cả nước là từ năm 2019 sẽ tổ chức Liên hoan vào mỗi năm. “Lãnh đạo Đài luôn chỉ đạo, sát cánh cùng chúng tôi để tạo một sân chơi âm nhạc đích thực cho các em thiếu nhi trên cả nước, mang đến cho các em những giây phút thư giãn sau thời gian học tập vất vả. Từ sân chơi này đã phát hiện nhiều tài năng âm nhạc, những nghệ sĩ tương lai”, nhạc sĩ Trần Nhật Bằng cho hay.
Về tiêu chí chấm giải, nhạc sĩ Trần Nhật Bằng tiết lộ, Ban Giám khảo sẽ chấm theo chất lượng tiết mục chứ không chia theo lứa tuổi và theo các tiêu chí: “Giọng hát, lựa chọn bài hát và cách thể hiện, dàn dựng tiết mục. Đặc biệt, Ban Tổ chức quy định trẻ em không hát bài người lớn. Nhiều người nghĩ chỉ với bài hát người lớn thì các cháu mới “khoe” được giọng. Đây là suy nghĩ sai lầm, bởi các cháu chưa có sự trải nghiệm để có thể hiểu được nội dung của những bài hát đó. Có rất nhiều bài hát thiếu nhi hay để các cháu thể hiện được giọng hát của mình. Chúng tôi cũng không chấm như đối với các ca sĩ chuyên nghiệp mà cần sự hồn nhiên, trong trẻo ở độ tuổi của các em. Ban Tổ chức luôn khuyến khích các em thể hiện những làn điệu dân ca hay tài năng âm nhạc của mình như độc tấu nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ nhạc mới, chọn những bài hát mới để tham dự Liên hoan.
Rộn ràng tiếng hát Sơn ca
Trò chuyện với các đơn vị tham gia Liên hoan Giai điệu Sơn ca, tôi nhận thấy không khí hồ hởi, hào hứng, tự hào khi họ bước vào sân chơi nghệ thuật này. Chị Trần Thị Thanh Loan, biên tập viên Đài PT-TH tỉnh Bình Dương, cho biết: “Đội Văn nghệ Măng non của Đài rất phấn khởi khi đã vượt qua vòng loại để bước tiếp vào vòng chung kết xếp hạng của Liên hoan. Do điều kiện đi xa cả hai ngàn cây số nên đoàn không tham gia đông diễn viên được, vì vậy, các bạn đã phải chịu khó, vất vả quay ngoại cảnh 2 ngày, rồi quay thêm trong phim trường 2 ngày để thực hiện video clip minh họa, thể hiện sự tương tác giữa màn hình với sân khấu nhằm làm sinh động, thêm sắc màu cho các tiết mục. Các diễn viên đều là những bạn từng đạt các giải thưởng cao nhất tại các hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Tiếng hát Sơn ca, Tiếng hát Họa mi của tỉnh Bình Dương trong những năm qua.
Trong sự hồi hộp xen lẫn vui mừng, chị Thanh Loan chia sẻ: “Cách đây 20 năm, Đài TNVN từng tổ chức một sân chơi nghệ thuật dành cho thiếu nhi cả nước, đó là Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ. Đài PT-TH Bình Dương đã tham gia và giành nhiều giải thưởng, huy chương. Những năm gần đây, chúng tôi rất vui vì Đài TNVN đã tổ chức lại Liên hoan này với tên gọi “Tiếng hát Sơn ca”. Các tiết mục bước vào vòng cung kết xếp hạng đều xuất sắc và mang tính đặc trưng vùng miền độc đáo. Đoàn Đài PT-TH Bình Dương mong muốn sẽ là một trong những bông hoa xinh, thơm ngát trong vườn hoa nghệ thuật “Tiếng hát Sơn ca”.
Một trong những tiết mục tham gia Liên hoan Giai điệu Sơn ca được quay ngoại cảnh. Ảnh: NVCC |
Chị Si Thị Phượng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Sơn La - đơn vị có 4/5 tiết mục tham gia lọt vào vòng chung khảo - cho hay: Quá trình tập luyện của đội gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không đảm bảo về thời gian luyện tập cho các em. Dù phải tập luyện vào thời gian từ 17h30 đến 19h30, nhưng cô và trò vẫn cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo chất lượng chương trình tham gia dự thi. “Liên hoan Giai điện Sơn ca là sân chơi âm nhạc rất cần thiết, lý thú cho các em thiếu nhi toàn quốc. Qua sân chơi này, các em được bồi dưỡng về năng khiếu nghệ thuật, có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau về cách hát, cách dàn dựng các tiết mục sao cho phù hợp và hấp dẫn khán thính giả”, chị Phượng chia sẻ.
Đánh giá cao chất lượng nghệ thuật tại Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên cho biết: “Dù có rất ít thời gian tập luyện do vướng lịch học của các em sau dịch Covid-19 nhưng vì sớm chủ động xây dựng kế hoạch và có sự đầu tư nên chúng tôi đã có 3 tiết mục lọt vào vòng chung khảo. Qua vòng sơ khảo, tôi nhận thấy Ban Giám khảo năm nay chấm chặt hơn, đảm bảo sự công bằng. Điều đó cho thấy chất lượng chương trình được nâng cao. Cách tổ chức khoa học, có tầm, bài bản cũng giúp các em có cơ hội thuận lợi để phát triển năng khiếu sau Liên hoan. “Liên hoan Giai điệu Sơn ca giúp các em có thêm bản lĩnh sân khấu, khẳng định được bản thân, trau dồi thêm năng khiếu, bổ trợ cho mô hình giáo dục toàn diện: đức - trí - thể - mỹ”./.
0 nhận xét